Hỏi: Tôi bị rối loạn mỡ máu. Liệu mỡ máu cao có phải là nguyên nhân tăng huyết áp không? Hai bệnh lý này có liên quan gì tới nhau? (Đỗ Thị H – Ninh Bình).
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền (Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện 19-8) khi bị rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp kéo dài không được kiểm soát sẽ hình thành các mảng xơ vữa. Khi các mảng xơ vữa bong ra sẽ hình thành cục máu đông từ đó gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là 2 bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời trong khoảng thời gian vàng. Có 2 nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ đó là tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu làm tăng sự xuất hiện của các mảng xơ vữa. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như thừa cân, béo phì, đái tháo đường…
Mối quan hệ giữa huyết áp cao và tăng mỡ máu
Đây là mối quan hệ diễn ra theo cả hai chiều. Khi cơ thể không đào thải được mỡ máu (cholesterol) dư thừa có thể tạo ra cặn lắng đọng ở thành động mạch. Sự co bóp của động mạch do cặn lắng gây ra làm tăng áp lực cần thiết cho quá trình tim bơm máu. Đây chính là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Khi tình trạng này kéo dài, huyết áp cao có thể gây tổn thương cho động mạch như làm rách thành động mạch và trở thành nơi mỡ máu dư thừa tích tụ lại.
Ngoài ra, có một số nghiên cứu về sự tương tác giữa mỡ máu và huyết áp thông qua hệ thống renin- angiotensin (RAS). Đây là hệ thống có liên quan đến protein, hormone, enzyme và có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh huyết áp của bạn. Khi mỡ máu cao có thể khiến ảnh hưởng đến sự hoạt động của RAS.
Huyết áp cao và mỡ máu đều là những yếu tố chính gây ra bệnh tim và đột quỵ. Vì những tổn thương sẽ tích tụ theo thời gian, khi hai yếu tố cùng nhau xuất hiện sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim lên đáng kể.
Ngoài ra, mỡ máu và huyết áp cao cũng khiến người bệnh rơi vào nhóm các tình trạng được gọi là hội chứng chuyển hóa và từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch.
Mỡ máu tăng làm tăng huyết áp gây nguy hiểm thế nào?
Mỡ máu tăng có thể góp phần làm tăng huyết áp từ đó gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh dưới nhiều góc độ bao gồm:
- Mỡ máu cao, đặc biệt là cholesterol LDL cao sẽ khiến các chất cặn hình thành và tạo ra các gắn kết trên thành động mạch. Tình trạng này sẽ dẫn đến sự co bóp, cứng động mạch tạo ra áp lực cao khi máu được bơm qua.
- Mỡ máu thừa có thể kết hợp cùng các chất khác tạo thành cặn trong mạch máu. Các chất cặn này khiến mạch máu bị chật hẹp hoặc bị tắc nghẽn từ đó làm tăng khả năng cản trở sự lưu thông máu và tăng áp lực trong mạch máu.
- Mỡ máu cao có thể kích thích phản ứng viêm của cơ thể. Tình trạng viêm nhanh chóng có thể gây tổn thương hoặc làm cứng động mạch từ đó tăng cường áp lực trong hệ thống mạch máu.
- Nếu động mạch trở nên hẹp và cứng do tác động của mỡ máu thừa. Lúc này tim sẽ cần làm việc nhiều hơn để đẩy máu khi đi qua chúng. Tình trạng này có thể dẫn đến sự mệt mỏi và khiến huyết áp tăng.
Huyết áp cao là một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng đột quỵ và các bệnh tim mạch. Kết hợp cùng với mỡ máu tăng sẽ khiến quá trình này có nguy cơ diễn ra nhiều hơn bằng cách tăng áp lực trong mạch máu và gây tổn thương cho mạch máu.
Điều nguy hiểm hơn cả là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu thường không có biểu hiện điển hình do vậy người bệnh thường chủ quan và không quan tâm kiểm soát tình trạng bệnh. Do vậy người bệnh cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, duy trì lối sống khoa học và phát hiện sớm các bất thường nếu có.
Xem thêm video được quan tâm:
Đột quỵ có di truyền không? | SKĐS