Mỡ máu cao có thể gây biến chứng gì?

26-05-2024 08:27 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hầu hết khi bị mỡ máu cao người bệnh không thể nhận biết qua các triệu chứng cụ thể hoặc rõ ràng. Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thông thường, tình trạng này chỉ được phát hiện trong quá trình kiểm tra máu định kỳ hoặc khi người bệnh gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ hoặc cảnh báo về nhồi máu cơ tim.

Diễn biến bệnh và các biến chứng nguy hiểm

Thời gian đầu, các triệu chứng mỡ máu cao khá mơ hồ và bệnh nhân chưa cảm nhận được ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe.

Tuy nhiên, những người có mức mỡ máu rất cao có thể trải qua các dấu hiệu như: Sự hình thành các khối u hoặc vết đốm màu vàng dưới da, thường do chất béo tích tụ xung quanh gân và khớp.

Người bệnh có thể xuất hiện một vòng trắng xung quanh giác mạc của mắt hoặc xuất hiện các u nổi ở góc trong của mắt.

Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sự tích tụ của mảng bám trong mạch máu có thể gây ra những vấn đề như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, khiến cho cung cấp chất dưỡng chất và oxy đến não và tim bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này.

Mỡ máu cao có thể gây biến chứng gì?- Ảnh 1.

Ở những người mỡ máu cao không có biểu hiện, theo thời gian, LDL-cholesterol dư thừa sẽ bám vào thành động mạch ngày một nhiều, hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, chân tay,… Ngoài ra, các mảng bám cũng có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng mỡ máu cao:

  • Tăng huyết áp

Tăng huyết áp và mỡ máu cao thường đi đôi với nhau và có mối liên hệ chặt chẽ. Mảng bám của cholesterol và canxi có thể làm cho động mạch trở nên cứng và hẹp lại. Khi đó, tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu qua các động mạch, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.

Ở Mỹ, một trong số mỗi ba người trưởng thành mắc tăng huyết áp và một trong số mỗi ba người trưởng thành mắc mỡ máu cao. Đáng chú ý là hơn một nửa số người trong mỗi nhóm không kiểm soát được tình trạng của họ. Điều này chỉ ra rằng hoặc liệu pháp không đủ hiệu quả hoặc người bệnh không tuân thủ chế độ điều trị được áp dụng.

  • Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành có thể ảnh hưởng đến người trẻ. Thậm chí, khoảng 1/5 số người chết vì bệnh động mạch vành ở dưới 65 tuổi. Điều này làm nổi bật sự quan trọng của việc kiểm tra cholesterol từ khi còn trẻ. Khi mỡ máu cao, do mảng bám có thể tích tụ âm thầm trong động mạch vành theo thời gian, nhiều người trẻ không nhận ra vấn đề cho đến khi gặp đau ngực (hay đau thắt ngực) hoặc các dấu hiệu khác của cơn đau tim.

Bệnh động mạch vành, còn được biết đến như bệnh tim mạch hay thiếu máu cơ tim, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc suy tim. Đây là một trong những bệnh tim phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Động mạch vành là những mạch máu cung cấp dưỡng chất và oxy cho tim, và khi sự cản trở xảy ra do xơ vữa, tim sẽ không nhận được đủ máu, dẫn đến suy yếu và ngừng hoạt động.

  • Bệnh động mạch cảnh

Các động mạch cảnh là các đường máu quan trọng mang dưỡng chất từ tim đến não. Bệnh động mạch cảnh xảy ra khi mảng bám làm hẹp động mạch, gây ra sự giảm đi của dòng máu giàu oxy đến não. Điều này có thể dẫn đến các cơn thiếu máu tạm thời hoặc đột quỵ.

  • Bệnh động mạch ngoại biên

Khi xơ vữa động mạch gây ra bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Động mạch ngoại biên thường không có triệu chứng rõ ràng, và chỉ khi động mạch ngoại biên bị tắc ít nhất 60% thì người bệnh mới cảm nhận được triệu chứng. Những triệu chứng bao gồm đau, mệt mỏi hoặc yếu ở chân, thường xảy ra khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi (được gọi là đau cách hồi). Đây là dấu hiệu của việc giảm lưu lượng máu do mảng bám trong động mạch.

Động mạch ngoại biên có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở chân và bàn chân cũng như ở các bộ phận khác trên cơ thể. Điều này xảy ra vì tất cả các mạch máu được kết nối thông qua hệ thống tim mạch, do đó mảng bám tăng trong một khu vực có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống mạch máu.

Mỡ máu cao có thể gây biến chứng gì?- Ảnh 2.

Những người có chỉ số mỡ máu cao cần chú ý ăn nhiều rau xanh và cá.


Lời khuyên thầy thuốc

Mỡ máu cao là vấn đề hay gặp, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số mỡ máu ở mức cao cần thực hiện chỉ định của thầy thuốc bằng việc sử dụng thuốc, tập luyện và chế độ ăn cho phù hợp.

Những người có chỉ số mỡ máu cao cần chú ý ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây mọng nước. Nên bổ sung ăn các loại thịt trắng thay vì thịt đỏ như cá, mỗi tuần nên ăn từ 2-3 bữa cá thay thịt, đặc biệt là đối với những người cao tuổi. Nên dùng dầu ăn thực vật thay vì mỡ động vật để nấu ăn. Hạn chế ăn các đồ chiên/xào, nội tạng động vật (óc, tim, gan, thận động vật), các loại da gà, vịt, ngan. Không nên uống các đồ uống có cồn, có ga như các loại nước ngọt, bia, rượu. Không nên ăn nhiều đồ ngọt như mứt, kẹo, … Không hút thuốc lá.

Ngoài ra, cần tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao đều đặn và đi thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều chỉnh chỉ số mỡ máu ở mức ổn định, tránh các bệnh lý có thể gặp phải khi chỉ số mỡ tăng cao.

3 lý do khiến người cao tuổi dễ bị mỡ máu cao và cách khắc phục3 lý do khiến người cao tuổi dễ bị mỡ máu cao và cách khắc phục

SKĐS - Mỡ máu cao ở người cao tuổi là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid hay còn gọi là rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi. Tình trạng này đặc trưng bởi hiện tượng tăng các thành phần mỡ xấu (LDL – Cholesterol, Triglycerid) và giảm thành phần mỡ tốt có tác dụng bảo vệ cơ thể (HDL – Cholesterol).

BSCKI Nguyễn Thị Ngọc
Ý kiến của bạn