Mỡ máu bao nhiêu là cao?

04-09-2024 16:36 | Phòng mạch online

SKĐS - Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu. Mỡ máu nếu tăng cao trong thời gian dài không điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Mỡ máu là gì?

Rối loạn lipid máu (hay rối loạn mỡ máu) là tình trạng khi có một hoặc nhiều các chỉ số mỡ máu bị rối loạn. Chỉ số mỡ máu gồm: Tăng triglyceride (TG) máu, tăng cholesterol máu, giảm thấp HDL cholesterol hoặc tăng LDL cholesterol. Để xác định tình trạng mỡ máu cần thông qua 4 chỉ số:

  • Chỉ số triglyceride (TG) ở người bình thường rơi vào khoảng <1,7 mmol/L tương đương <150mg/dL. Nếu chỉ số này vượt mức bình thường thì được xem là cao.
  • Chỉ số cholesterol toàn phần bình thường ở mức <5,1mmol/L tương đương <200mg/L.
  • Chỉ số LDL thông thường rơi vào khoảng <130mg/dL.
  • Chỉ số HDL bình thường sẽ cao hơn 50mg/dL. Nếu chỉ số này xuống thấp sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Rối loạn mỡ máu có dấu hiệu gì?

Khi các chỉ số mỡ máu thay đổi tăng cao hoặc xuống thấp sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh việc phát hiện rối loạn mỡ máu thông qua xét nghiệm, căn bệnh này cũng có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như:

  • Xuất hiện gân Achilles ở khuỷu chân, khuỷu tay.
  • Có ban vàng xanthomas.

Tuy nhiên, những biểu hiện này thường hiếm gặp. Những biểu hiện của bệnh thường diễn ra âm thầm và người bệnh có thể phát hiện ra rối loạn mỡ máu thông qua thăm khám định kỳ. 

Mỡ máu bao nhiêu là cao? - Ảnh 1.

Rối loạn mỡ máu giai đoạn đầu thường có biểu hiện âm thầm, người bệnh thường phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ.

Một số trường hợp phát hiện bệnh khi có các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… lúc này bệnh thường đã ở giai đoạn nặng. Để phát hiện sớm rối loạn mỡ máu, mọi người cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

Tình trạng rối loạn mỡ máu nếu không được phát hiện và điều trị có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu từ đó dẫn tới tắc hoặc hẹp lòng mạch. Khi tình trạng này diễn ra ở não làm tăng nguy cơ nhồi máu não, xảy ra ở tim làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, còn ở động mạch chi dưới sẽ làm tăng nguy cơ bệnh động mạch chi dưới… Đây là những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Rối loạn mỡ máu nên ăn gì kiêng gì?

Bệnh nhân khi bị rối loạn mỡ máu cần thay đổi, điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày trong đó chủ yếu là chế độ ăn uống và tập luyện. Thông thường rối loạn mỡ máu sẽ được chia theo 2 nhóm: Nhóm tăng cholesterol máu và nhóm tăng triglyceride máu. 

Người bệnh thuộc nhóm khác nhau sẽ có sự điều chỉnh chế độ ăn khác nhau như: Giảm thực phẩm giàu cholesterol, mỡ động vật, tăng cường đồ ăn nhiều chất xơ… 

Người rối loạn mỡ máu nên chuyển sang chế độ dinh dưỡng sử dụng các chất béo không bão hòa có trong các loại dầu nành, dầu ôliu, quả bơ, hạt hạnh nhân…

Mỡ máu bao nhiêu là cao? - Ảnh 2.

Rối loạn mỡ máu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim...

Ngoài chế độ ăn, người bệnh cần thay đổi chế độ tập luyện. Người bệnh cần duy trì vận động ít nhất 5 ngày/tuần và mỗi lần nên duy trì tập từ 30- 60 phút, không nên nghỉ liên tiếp 2 ngày. Với những người đồng mắc béo phì hay chỉ số BMI trên 23 thì cần có chế độ ăn và giảm cân theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tình trạng rối loạn mỡ máu.

Bên cạnh đó người bệnh cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… Người bệnh cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để có lời khuyên cụ thể về chế độ ăn uống cũng như tập luyện.

Những người có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu

Mọi đối tượng, mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên những người có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu được chia làm 3 nhóm:

  • Nhóm nguy cơ thay đổi được: Những người có chế độ ăn đồ ăn giàu chất béo chuyển hóa/ chất béo bão hòa, người ít vận động, người hút thuốc lá uống rượu bia…
  • Nhóm nguy cơ không thay đổi được: Những người trong gia đình có người bị rối loạn mỡ máu. Tuổi càng cao nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu càng tăng. Bên cạnh đó tỷ lệ nam giới mắc rối loạn mỡ máu cao hơn so với phụ nữ ở trước tuổi mãn kinh.
  • Nhóm bệnh lý kèm theo: Người mắc các bệnh lý đái tháo đường, suy giáp, béo phì… có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu cao hơn.

Để giảm nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu, người bệnh cần điều chỉnh các yếu tố có thể thay đổi được và điều trị các bệnh lý kèm theo (nếu có).

Xem thêm video được quan tâm:

Người đàn ông phải đi cấp cứu khi mỡ máu tăng gần 50 lần do nghiện rượu | SKĐS


TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thủy
Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Hữu nghị
Ý kiến của bạn