ThS.BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, vào thời điểm cuối năm, theo phong tục của nhiều địa phương, các gia đình sẽ giết mổ lợn để chế biến các món trong ngày Tết và món tiết canh lợn cũng không thể thiếu. Món ăn này chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh nguy hiểm liên cầu lợn.
Mặc dù truyền thông đã lên tiếng cảnh báo nhiều lần nhưng tình trạng ăn tiết canh lợn vẫn diễn ra khá phổ biến.
BS. Khiêm cảnh báo, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh sẽ bị suy đa tạng, viêm màng não mủ... khi đến bệnh viện muộn, thậm chí có trường hợp người bệnh đến sớm, quá trình điều trị, hồi sức cho bệnh nhân cũng vô cùng khó khăn.
"Đơn cử như năm 2019, bệnh viện có khoảng vài chục ca nặng sốc suy đa tạng nhập viện. Còn số lượng bệnh nhân bị viêm màng não nặng chiếm 50 - 60% số ca bệnh viêm màng nào tìm thấy căn nguyên do liên cầu lợn"- chuyên gia Hồi sức tích cực nói.
Trên thực tế, người dân hay có quan niệm lợn gia đình nuôi là lợn sạch nên ăn thịt và làm tiết canh được. Tuy nhiên, vi khuẩn liên cầu lợn khu trú ở vùng họng con vật sẽ không gây bệnh cho vật nuôi mà sau khi người ăn vào mới nhiễm bệnh.
Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tốn kém và dễ suy đa tạng nguy kịch. Ảnh minh họa.
ThS.BS Đồng Phú Khiêm cho biết thêm: Các dấu hiệu trên da của người bệnh nhiễm liên cầu lợn là hoại tử da, đầu tay, mặt... Có những trường hợp chữa khỏi sẽ có các di chứng điếc tai, hoại tử đầu ngón tay phải cắt cụt, tháo khớp.
Có những ca bệnh phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ có tỷ lệ sống cao. Có những trường hợp từ lúc ăn đến khởi bệnh chỉ mất khoảng 2 - 3 ngày với các triệu chứng sốt, buồn nôn, đau bụng, nổi ban trên người.
Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm, với người bệnh nhiễm liên cầu lợn, quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được lọc máu, thở máy, hồi sức tối đa... Tuy nhiên, có những bệnh nhân vẫn có nguy cơ nặng. Trường hợp giữ được tính mạng thì gia đình mất công sức hàng tuần, tốn kém chi phí để chăm sóc cho bệnh nhân.
Do đó, BS. Khiêm khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh, không sử dụng lợn ốm, lợn chết bởi có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn rất cao.
Biểu hiện của bệnh: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp... Bệnh thường diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2021, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín.
2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn (heo) ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn (heo) không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn (heo) có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn (heo), chế biến thịt lợn (heo), thường xuyên rửa tay với xà phòng.
4. Tiêu hủy lợn (heo) bệnh, lợn (heo) chết theo đúng quy định.
5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.