Hà Nội

Mở lối thoát hiểm thứ 2 - Mở đường sống trong vụ cháy nhà ống

09-07-2023 14:37 | Xã hội
google news

Thời gian gần đây tại thành phố Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy nhà dân ở quận Hà Đông và quận Đống Đa, làm nhiều người tử vong. Cả 2 vụ cháy đều xảy ra tại những ngôi nhà ống, không tiện lợi cho việc thoát hiểm. Do vậy, cần thiết phải có lối thoát hiểm tại nhà ống để mở đường sống của mỗi người dân.

Mở lối thoát hiểm thứ 2 - mở đường sống trong vụ cháy nhà ống - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại vụ cháy làm 4 người tử vong ở số 24 phố Thành Công, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Vụ thứ nhất, vào 7 giờ 44 phút ngày 13/5/2023, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 24 phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội). Sau gần 20 phút, đám cháy đã cơ bản được dập tắt. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn đã làm 4 người trong gia đình tử vong; 1 người bị thương.

Theo quan sát, ngôi nhà bị cháy được hàn khung sắt, bịt kín phía trước giống như "chuồng cọp" để chống trộm. Nhiều đoạn sắt ở trên tầng 2 được lực lượng chức năng cắt ra để cứu hỏa.

Còn sáng sớm 8/7/2023, tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa (Hà Nội) đã có 3 nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn tại một ngôi nhà ống diện tích khoảng 60 m2.

Từ hai vụ hỏa hoạn trên, có thể thấy, lối thoát hiểm thứ 2 là vô cùng cần thiết, giúp nạn nhân có thể thoát ra ngoài trước khi đám cháy bùng phát, gây hại.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, thành phố có khoảng 500.000 nhà ống, trong đó quận Đống Đa hơn 6.000 nhà, quận Ba Đình hơn 4.000 nhà ống đang có người sinh sống. Do đặc thù “tấc đất tấc vàng” nên lượng nhà ống tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên theo từng năm. Nhà ống, với cửa ra vào duy nhất cơ bản được đặt ở phía trước là lối kiến trúc phù hợp với điều kiện đất chật người đông như ở Hà Nội và có thể kết hợp ở và kinh doanh. 

Chỉ có điều, khi “cái khó bó cái khôn” hoặc “điếc không sợ súng”, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã tận dụng từng cen-ti-mét của căn nhà ống để sinh hoạt. Nhiều căn nhà ống được gia chủ quây kín phía trước và phía sau bằng việc lắp những hàng song sắt kiên cố để vừa chống trộm vừa tận dụng làm nơi phơi áo quần, làm bếp hoặc kho cất giữ đồ cũ... Vì thế nên phần lớn nhà ống ở Hà Nội không có lối thoát hiểm thứ 2 khi sự cố xảy ra ở tầng 1, bịt lối cửa chính.

Mở lối thoát hiểm thứ 2 - mở đường sống trong vụ cháy nhà ống - Ảnh 2.

Hiện trường vụ cháy ở ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát

Cùng với nhà ống thì tại một số khu tập thể cũ, tại nhiều căn hộ, người dân cũng đã làm những “chuồng cọp” bịt kín ở cả 2 đến 3 phía để tận dụng không gian phục vụ sinh hoạt, chỉ để duy nhất lối ra vào.

Do lối sinh hoạt được hình thành từ nhiều năm, trở thành “nét văn hóa cơi nới” của người Hà thành thì chả mấy ai còn quan tâm đến việc mở lối thoát hiểm thứ 2 nữa.

Có thể dẫn chứng, tại một căn hộ trên tầng 5 của khu tập thể cũ Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) có thiết kế ban đầu là 30 m2. Sau đó gia đình cơi nới thêm ban công phía sau hơn 10 m2 nữa làm rộng hơn nơi sinh sống của 6 người trong gia đình. Không gian thoáng phía sau căn hộ được tận dụng thành phòng ở nên gia đình chẳng còn chỗ nào để mở lối thoát hiểm.

Mở lối thoát hiểm thứ 2 - mở đường sống trong vụ cháy nhà ống - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng phải phá cửa để đưa vòi nước vào trong nhà dập lửa trong vụ cháy ở ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Để người dân Thủ đô nâng cao ý thức, chủ động phòng chống hỏa hoạn, UBND thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Công văn có nội dung đáng chú ý, yêu cầu các đơn vị vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2".

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cách phòng, tránh hỏa hoạn được lực lượng Công an các cấp của thành phố Hà Nội triển khai một cách sâu rộng trong thời gian qua. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, tại các buổi tập huấn, Công an còn tổ chức cho người dân thực hành cách sử dụng dụng cụ dập lửa một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều địa phương của Hà Nội cũng thể hiện rõ vai trò trách nhiệm trong phòng, chống “giặc lửa” bằng cách cho ra mắt mô hình: Nhà tôi có bình chữa cháy; Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy; Điểm chữa cháy công cộng… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong phòng, chống cháy nổ; tận dụng được nguồn lực “4 tại chỗ” trong dân để đối phó với hỏa hoạn.

Dù rất tích cực trong tuyên truyền, vận động, song nhiều người cho rằng cần phải có chế tài “cứng” cụ thể, mang tính bắt buộc trong việc xây dựng, sinh hoạt tại mỗi căn nhà ống mới là giải pháp căn cơ trong ngăn chặn hỏa hoạn.

Theo đó, cơ quan chức năng khi cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh cần yêu cầu chủ hộ bố trí có 1 lối thoát hiểm thứ 2. Lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua mái, qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước khoảng 80 cm.

Ngoài việc cần bổ sung quy định, cơ quan chức năng của thành phố cần thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, định kỳ hoặc đột xuất kiếm tra việc chấp hành quy định đảm bảo yêu cầu phòng cháy với những công trình xây dựng cũ. Công việc tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng cháy cần được hướng đến như một giải pháp để đảm bảo cho an toàn của chính người dân, để họ tự trang bị các giải pháp phòng cháy cho gia đình.

Khi các tiêu chí an toàn phòng cháy với nhà riêng lẻ, nhất là những căn nhà ống, ngõ nhỏ được xây dựng từ trước được đảm bảo, quy định về phòng cháy với nhà xây mới được tuân thủ, hậu quả của các vụ hỏa hoạn cũng sẽ được giảm thiểu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 127 vụ cháy lớn nhỏ, làm 6 người tử vong, 9 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng. Những con số trên cho thấy sự khốc liệt của hỏa hoạn nên cần đặc biệt đề cao công tác phòng, chống cháy trong mỗi khu dân cư, nhất là đối với nhà ống, nhà chung cư cũ ở các quận nội đô.


Mạnh Khánh (TTXVN)
Ý kiến của bạn