Mổ lấy thai (MLT) là phẫu thuật lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành bụng vào tử cung đang nguyên vẹn. So với sinh ngả âm đạo, MLT được áp dụng trong những trường hợp cấp bách, cần thiết phải lấy thai ra nhằm làm giảm những nguy hiểm cho thai nhi và người mẹ.
Trong ngành phẫu thuật việc MLT có 2 dạng: chủ động và cấp cứu.
Áp dụng trong các trường hợp nào?
Áp dụng trong các trường hợp mà cuộc sinh ngả âm đạo tỏ ra không an toàn cho mẹ và thai. Các chỉ định thông thường nhất: bất xứng đầu chậu do khung chậu hẹp hay khung chậu bình thường mà thai to trên 3.500g, do quá trình chuyển dạ mà đầu thai nhi không tiến triển tốt có nguy cơ dọa vỡ tử cung. Rối loạn cơn co tử cung mà dùng thuốc điều chỉnh cơn co không kết quả. Vào giai đoạn chuyển dạ thật sự mà cổ tử cung không mở thêm.
Ảnh minh họa
Các bệnh lý của đường sinh dục như: ung thư cổ tử cung, bệnh mào gà, herpes sinh dục. Nhau tiền đạo, nhau bong non, sa dây rốn. Các ngôi bất thường như: ngôi mặt, ngôi trán, ngôi ngang, ngôi mông con so, ngôi mông con rạ có kèm những yếu tố bất lợi. Thai suy trong chuyển dạ, thai kém phát triển trong tử cung, mạng sống bào thai đang bị đe dọa. Thiểu ối nặng, vô ối. Thai có vết mổ đẻ cũ kèm các yếu tố không thuận lợi. Cần chấm dứt thai kỳ mẹ có bệnh lý nội khoa nặng đe dọa tính mạng người mẹ như tiền sản giật nặng hay sản giật, suy tim nặng đe dọa phù phổi. Con so lớn tuổi trên 34 tuổi mang thai lần đầu, con quý thai thụ tinh nhân tạo mà tiên lượng sinh ngả âm đạo không thuận lợi.
Không áp dụng trong các trường hợp nào?
Hầu hết các trường hợp mang thai đều có thể MLT được nhằm mục đích tránh tai biến cho mẹ và thai nhi. Một số các trường hợp cần thiết phải hồi sức cho mẹ và cho thai nhi trước rồi mới tiến hành phẫu thuật. Các trường hợp có thể trì hoãn như trong tiền sản giật nặng, cần điều trị tiền sản giật sau thời gian tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tiên lượng mà ta có chỉ định mổ, cần sửa soạn cho thai nhi có khả năng sống khi ra ngoài bằng dùng corticoid giúp trưởng thành phổi. Trường hợp mẹ kèm bệnh lý nặng khác cần điều trị tạm ổn định như đái tháo đường, bệnh lý về máu hay thiếu máu nặng cần truyền máu bằng hồng cầu lắng hay các thành phần nào trong máu thiếu ta cần truyền bồi phụ lại. Các trường hợp tiền căn dị ứng mạnh ngay cả thuốc mê hay thuốc tê cũng dị ứng nhất thiết phải chuẩn bị trước các thuốc cắt cơn dị ứng rồi mới tiến hành phẫu thuật.
Thực hiện như thế nào?
Cần tư vấn cho sản phụ và người nhà sản phụ về việc chỉ định mổ lấy thai. Ký cam kết mổ. Chuẩn bị sản phụ, vệ sinh vùng mổ, tốt nhất có thể tắm trước mổ, thụt tháo nếu có điều kiện. Hoàn tất hồ sơ, trong đó ghi biên bản hội chẩn kíp mổ. Báo phòng mổ và bác sĩ gây mê về tình trạng sản phụ, những vấn đề cần lưu ý như bệnh lý mẹ, tình trạng thai nhi. Báo bác sĩ nhi khoa thông báo cuộc mổ và tình trạng thai nhi.
Sản phụ được vô cảm bằng tê tủy sống hay mê nội khí quản, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ cấp cứu khẩn cấp hay mổ thông thường. Trên thực tế đa số áp dụng phương pháp vô cảm bằng tê tủy sống, nhằm tránh ảnh hưởng tác động không tốt của thuốc tê hay thuốc mê lên thai nhi.
Với đường rạch da ngang trên xương vệ, vết mổ này giúp khả năng thẩm mỹ cao. Đường mổ vào trong ổ bụng, rạch ngang đoạn dưới tử cung để lấy thai nhi ra trao cho bác sĩ nhi và nữ hộ sinh em bé được hút sạch đàm nhớt ở họng mũi giúp cho bé khóc to. Sau đó lấy nhau, màng nhau, lau sạch buồng tử cung, kiểm tra độ mở cổ tử cung giúp cho sự thoát sản dịch được tốt. Khâu lại vết mổ bằng chỉ viryl số 1, giúp khả năng cầm máu tốt, may lại phúc mạc tạo cho tử cung trở lại nguyên vẹn. Lau sạch ổ bụng và đóng bụng bằng chỉ vicryl và safil quick 3.0. Lấy sạch máu cục âm đạo. Sản phụ được chuyển sang phòng hồi sức được sử dụng thở oxy ẩm, dịch truyền có pha thuốc co hồi tử cung, thuốc kháng sinh và giảm đau.
Một số biến cố có thể xảy ra
Đối với mẹ: biến cố do phẫu thuật như chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột), khâu phải niệu quản, rò bàng quang - tử cung, rò bàng quang - âm đạo. Chảy máu do chạm phải động mạch tử cung, đờ tử cung tăng nhiều hơn khi gây tê, mê để mổ, chảy máu do rách thêm đoạn dưới. Nhiễm trùng: có thể bị nhiễm trùng vết mổ, tiết niệu, phổi. Thường gặp là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc có thể dẫn đến cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu. Dính ruột, tắc ruột. Tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát. Lạc nội mạc tử cung. Sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt trong những lần có thai sau (nứt khi chưa vào chuyển dạ hoặc khi đã vào chuyển dạ). Ngoài ra, trong những lần có thai sau, khả năng sẽ phải mổ lại tăng và nếu sinh ngả âm đạo phải giúp sinh bằng giác hút hoặc forceps để giảm nguy cơ nứt vỡ tử cung.
Đối với bé: thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê. Bị chạm thương trong khi phẫu thuật. Hít phải nước ối. Trẻ sơ sinh do sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng do sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ, nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai gần đủ tháng (khoảng 37 tuần). Nguyên nhân chủ yếu là do: bệnh màng trong thường gặp ở trẻ sinh non, với tỉ lệ 3/1.000 trẻ sinh mổ ở tuổi thai 37 tuần, gấp 13 lần so với trẻ ở tuổi thai 38 tuần và gấp 30 lần so với trẻ 39 tuần. Tình trạng ứ đọng dịch phế nang và thể tích khí trong lồng ngực của trẻ giảm gần 50% so với trẻ sơ sinh bình thường.
Để tránh tất cả các biến cố trên, việc chỉ định MLT cần có quy trình chặt chẽ, hội chẩn đúng chỉ định, những trường hợp mổ cấp cứu khẩn cấp, cần trang bị phương tiện hỗ trợ và ê kíp mổ bao gồm bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ nhi khoa. Tay nghề các bác sĩ chuyên khoa cao và thành thạo trong kỹ thuật mổ.
Một số lưu ý cho các bà mẹ
Quá trình sinh ngả âm đạo là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai khi đến ngày thai nhi đủ tháng chuyển dạ, vì vậy không có lý do gì mà chúng ta không theo hiện tượng sinh lý. MLT là một phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định một khi quá trình chuyển dạ sinh không thể sinh được đường ngả âm đạo hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm. Do đó MLT không có và không nên yêu cầu mổ hoặc chọn ngày tốt để mổ một khi không có một bất kỳ lý do nào làm ảnh hưởng đến chuyển dạ sinh thường của người mẹ.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN