Tiềm năng từ tự nhiên
Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên 917,55 km2, với trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ tại các xã, thị trấn trong huyện.
Đây là địa bàn có địa hình hiểm trở, có nhiều núi đá vôi, bị chia cắt rất lớn, nhiều vùng gần như biệt lập. Hầu hết các đỉnh núi có độ cao khoảng 800-1.000m, nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m.
Do ảnh hưởng của địa hình, khí hậu của Lâm Bình phụ thuộc vào độ cao và đặc điểm của núi. Khí hậu trong năm chia làm 4 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm là 22 độ, độ ẩm không khí khoảng 85%, lượng mưa trung bình 1.800mm, khí hậu khá mát mẻ.
Lâm Bình là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn quốc, độ che phủ rừng đạt trên 80% so với diện tích toàn huyện. Thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm như pơ mu, thông tre, thông đỏ, nghiến, trai, đinh, sến, dổi…
Rừng nguyên sinh với đa dạng hệ sinh thái và đặc biệt có nhiều loài dược liệu quý hiếm như tam thất rừng, thất diệp nhất chi hoa, khôi nhung, hương thảo, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích, sâm, trinh nữ hoàng cung...
Lâm Bình hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu sạch. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với chăn nuôi đại gia súc và có các loại cây trồng lâm nghiệp và các loại nông sản và dược liệu.
Trồng dược liệu dưới tán rừng bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu
Từ bao đời nay, người Dao đỏ xã Bình An (Lâm Bình) đã nổi tiếng với những bài thuốc gia truyền chữa các loại bệnh về gan, thận, phổi, thuốc tắm nâng cao sức khỏe...
Trước đây, do người dân thường tự lên rừng tìm hái thuốc về chữa bệnh cho gia đình và những người địa phương. Qua thời gian khai khác tự nhiên mà không có sự chủ động bảo tồn nhân giống khiến nguồn cây thuốc trong tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng.
Trăn trở với điều đó, anh La Văn Dũng, một người sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm thuốc đã tự học hỏi, tham khảo một số mô hình của người Dao ở Lào Cai, Sơn La và mở ra hướng đi mới cho bà con địa phương với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.
Năm 2020, gia đình anh tiên phong thực hiện trồng những cây thuốc như: mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, kim tuyến... dưới những tán rừng. Đây là mô hình trồng trên đất tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón.
Cách làm này mang đến nguồn dược liệu sạch, phát huy được tối đa dược tính, nên ngay khi mới triển khai nhiều hộ người Dao ở thôn Tân Hoa đã đồng tình để thực hiện trồng thử nghiệm.
Năm 2021, HTX thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An do anh La Văn Dũng làm Giám đốc đã tập hợp 13 thành viên trồng gần 20 ha cây dược liệu bản địa như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, kim tuyến...
Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng các xã miền núi và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn mà đầu ra thuận lợi.
Là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về dược liệu, lương y Hoàng Quốc Thanh ở TP. Hồ Chí Minh đã đến Lâm Bình để thực hiện Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng và thành lập Công ty TNHH một thành viên Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình.
Đầu năm 2021, anh chọn khu rừng tại Bản Thàng, xã Phúc Yên để làm trang trại trồng thảo dược. Hiện đã trồng được 5ha các loại dược liệu, một số loại cây được trồng dưới tán rừng hay cạnh bìa rừng với các loại cây điển hình như: nhung khôi, hương thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích...
Theo anh Thanh, có thể trồng khoảng 3 nghìn cây khôi nhung dưới tán 1ha rừng. Sau 1 năm trồng, diện tích này có thể cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn lá khô đạt giá trị khoảng 300 triệu đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Đây có thể là mô hình giúp người dân thoát nghèo bởi chi phí đầu tư phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm
Thực phẩm thay thế gạo tốt nhất cho người bệnh tiểu đường