Mô hình quản lý chất thải sắc nhọn

21-12-2009 16:46 | Thời sự
google news

Ngay sau khi tiêm xong, sử dụng dụng cụ cắt bơm kim tiêm để tách rời kim tiêm và bơm tiêm (xi-lanh).

Bài 2: Xử lý và tiêu hủy bơm tiêm và kim tiêm được tách rời

Tách rời kim tiêm và bơm tiêm

Ngay sau khi tiêm xong, sử dụng dụng cụ cắt bơm kim tiêm để tách rời kim tiêm và bơm tiêm (xi-lanh). Đầu nối của kim tiêm bị dao cắt đứt, phần kim tiêm sẽ rơi xuống hộp đựng kim tiêm (hộp này được làm bằng kim loại hoặc nhựa cứng, và phải là một bộ phận trong thiết kế của dụng cụ cắt bơm kim tiêm, có thể tái sử dụng). Phần xi-lanh bỏ vào hộp an toàn hoặc túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm không sắc nhọn. Như vậy, để tách rời kim tiêm và bơm tiêm thì tại mỗi bộ phận tiêm cần có một dụng cụ cắt bơm kim tiêm.

 Dụng cụ cắt bơm kim tiêm.    

Tiêu hủy kim tiêm

Kim tiêm được xử lý theo các phương pháp sau:

- Chôn trực tiếp trong các hố xây xi-măng chuyên dùng để chôn vật sắc nhọn: Hố có đáy, có thành và nắp đậy bằng bê-tông, dung tích 1m3. Có thể chôn cả hộp chứa kim tiêm hoặc đổ kim tiêm vào hố đựng chất thải sắc nhọn để tái sử dụng hộp này. Trước khi tái sử dụng phải vệ sinh, khử khuẩn hộp theo quy trình khử khuẩn dụng cụ y tế. Sau khi khử khuẩn để tái sử dụng, hộp phải còn đủ các tính năng ban đầu.

Đây là một giải pháp tốt để tiêu hủy các vật sắc nhọn trong các cơ sở y tế vừa và nhỏ. Tuy nhiên, không nên sử dụng hố này ở những nơi có lũ lụt hoặc ở những nơi có mực nước gần với bề mặt.

- Kết bao, đóng rắn: Cho các hộp đựng kim tiêm đã sử dụng vào trong một thùng phuy kim loại (đầy đến 3/4 thùng). Cho vật liệu kết bao, đóng rắn như xi-măng mới, cát, nhựa đường hoặc đất sét vào thùng phuy đó. Sau khi khô, hàn kín thùng lại và đem đi tiêu hủy trong bãi chôn lấp hoặc được chôn lấp tại chỗ trong khuôn viên cơ sở y tế.

Nguyên tắc của phương pháp kết bao, đóng rắn là bao xung quanh các vật liệu nguy hiểm bằng các chất sẽ đóng rắn lại, đảm bảo rằng các vật liệu nguy hiểm này không còn nguy hại hoặc không thể được tái sử dụng.

Tiêu hủy bơm tiêm nhựa

Ngay sau khi tháo rời kim tiêm, các bơm tiêm bằng nhựa cần phải được thải loại (phân loại) đựng vào trong túi thu gom chất thải màu vàng, sau đó thả các túi màu vàng này vào trong thùng chứa màu vàng. Trước khi đem đi tiêu hủy, các bơm kim tiêm này cần được khử khuẩn bằng phương pháp thích hợp.

Có thể áp dụng một trong các phương pháp khử khuẩn sau: tiệt trùng bằng hóa học (dùng dung dịch clo có nồng độ 0,5%; 1% hoặc 2% khử khuẩn trong thời gian tối thiểu 30 phút) hay đun sôi (đun sôi các bơm tiêm này trong vòng 20 phút), hoặc sử dụng nồi áp suất (để thay thế giải pháp sử dụng nước đun sôi, có thể dùng nồi áp suất để khử trùng bằng hơi ở nhiệt độ cao trong vòng 10 phút).

Sau khi các bơm tiêm (xi-lanh) này đã được khử khuẩn áp dụng các biện pháp tiêu hủy sau:

- Xử lý tại chỗ: Băm, cắt các bơm tiêm nhựa bằng một thiết bị cắt xé thủ công hoặc một máy cắt xé điện nhằm giảm thể tích của chúng rồi đem chôn lấp tại chỗ trong khuôn viên của cơ sở y tế.

- Xử lý tập trung: Sau khi được thu gom, các bơm tiêm này được chuyển tới trạm xử lý tập trung để xử lý. Tại đây, các bơm tiêm nhựa có thể bị cắt nhỏ bằng máy cắt xé thủ công hoặc chạy điện (để giảm thể tích) rồi đem đi chôn lấp trong bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoặc mang đi tái sinh, tái chế. Việc tái sinh, tái chế là một giải pháp kinh tế và thân thiện môi trường đối với các bơm tiêm bằng nhựa.

Hiện nay, quy chế quản lý chất thải y tế chưa cho phép tái sinh, tái chế các bơm tiêm nhựa nếu chưa được xử lý khử khuẩn bằng công nghệ hiện đại. Trong trường hợp bơm tiêm nhựa đã được xử lý, nếu không có sẵn nhà máy tái sinh, tái chế nhựa; hoặc khoảng cách từ nhà máy tới các cơ sở y tế làm cho chi phí vận chuyển trở nên quá đắt, sau khi được xử lý các bơm tiêm có thể được chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt.

Thu Hằng

(Theo tài liệu của Cục quản lý Khám chữa bệnh)


Ý kiến của bạn