Nam Trà My là một huyện miền núi cao, nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Rừng tự nhiên tại đây còn nhiều chiếm trên 65%, độ che phủ rừng cao đạt gần 60%; đặc biệt có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 mét quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hòa, tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn, lượng mưa nhiều rãi đều trong năm độ ẩm cao, đất đai rất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng, nhất là đối với cây dược liệu quí hiếm bản địa như: Sâm Ngọc Linh, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, Đảng sâm, Đương quy, Quế Trà My và rất nhiều loại cây dược liệu khác.
Với hơn 300 loài cây dược liệu khác nhau sinh trưởng tại các vùng rừng núi trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã và đang có nhiều giải pháp bảo tồn và hướng đến phát triển kinh tế xanh, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Từ năm 2016, huyện Nam Trà My triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt ngày 5/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg công nhận Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam là sản phẩm quốc gia, cùng với phê duyệt Đề án phát triển 19.000 ha vùng sâm Ngọc Linh. Xác định cây Sâm Ngọc linh là cây chủ lực để nhân dân thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế. Huyện đã đầu tư, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng sâm ra 7 xã vùng quy hoạch.
Cùng với nỗ lực mở rộng diện tích, phát triển nguồn giống thì Nam Trà My còn chú trọng đến công tác quảng bá, thương mại để nâng tầm giá trị cho Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác. Đối với các loài cây dược liệu thì huyện Nam Trà My chú trọng vận động nhân dân trồng cây dược liệu bản địa cho giá trị kinh tế cao. Đối với các loài dược liệu đặc hữu như Sâm nam, Giảo cổ lam, Đương quy, Lan kim tuyến, Thất diệp nhất chi hoa, Chè dây, Khổ qua rừng ... đang được bà con sống dưới sườn núi Ngọc Linh phát triển chuyên canh theo quy mô lớn.
Nhân dân ở cả 10 xã trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với các loài cây chính như đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sơn tra, giảo cổ lam, sa nhân…, cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, bước đầu mang lại thu nhập.
Ở Nam Trà My, xã Trà Linh là địa phương khá thành công về phát triển và làm giàu từ cây dược liệu. Ngoài tập trung đầu tư cho sâm Ngọc Linh, người dân trong thôn trồng thêm các loại cây dược liệu, nhất là đảng sâm để kiếm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.
Thời gian đầu, người dân chủ yếu trồng phân tán, mấy năm gần đây giá đảng sâm ổn định hơn, người thu mua liên hệ nhiều nên bắt đầu trồng tập trung. Cây dược liệu nói chung và đảng sâm nói riêng thường được mua quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là những tháng trước tết. Thu nhập bình quân của các hộ thu từ loài cây này khoảng 20-30 triệu đồng/năm; có những vùng người dân chăm sóc tốt và tự nhân rộng để trồng cho lợi nhuận từ 50 đến 70 triệu đồng/năm.
Để ổn định đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của người dân, huyện Nam Trà My đã tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi. Qua đó, tạo điều kiện để người dân tiêu thụ, bình quân mỗi phiên chợ khoảng 500kg sản phẩm dược liệu các loại như: đảng sâm tươi, giảo cổ lam, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây…
Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức thu mua sản phẩm thô của người dân, sau đó sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường khoảng 5-6 tấn dược liệu các loại.
Từ thực tế tại huyện Nam Trà My cho thấy, việc thực hiện mô hình lấy ngắn nuôi dài trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tích cực, bằng việc trồng các loại cây dược liệu ngắn ngày để kiếm thêm nguồn thu đã giúp người dân an tâm hơn trong quá trình chăm sóc các loại cây lâu năm như sâm Ngọc Linh hay quế Trà My, cũng từ đó, diện tích cây dược liệu tăng qua càng năm, góp phần vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Đặc biệt, từ các mô hình này đã xuất hiện rất nhiều hộ gia đình đồng bào thiểu số từ chỗ nghèo đói đã thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả.