Hội thảo tạo cơ hội để các cấp và các bên tham gia chia sẻ và cùng học tập các câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng hợp tác giữa cộng đồng và các cơ sở y tế; thảo luận các chiến lược để phát triển và mở rộng mô hình C2P sao cho phù hợp với chiến lược phòng chống HIV/AIDS quốc gia, chiến lược của các nhà tài trợ PEPFAR và Quỹ Toàn cầu về huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội/tổ chức cộng đồng trong ứng phó dịch HIV/AIDS.
Vai trò của mô hình C2P
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, mô hình C2P hay còn gọi là mô hình hợp tác giữa tổ chức cộng đồng với ngành y tế là một sáng kiến của Trung tâm LIFE đã được triển khai có hiệu quả tại một số tỉnh, thành phố của dự án trong những năm qua; giúp đảm bảo cho việc tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV tại cộng đồng và đẩy mạnh sự phối hợp giữa các tổ chức cộng đồng và cơ sở y tế nhà nước.
PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Hội thảo.
Có thể nói, mô hình C2P đã hỗ trợ các tổ chức cộng đồng (TCCĐ) phối hợp với các cơ sở y tế (CSYT) để truyền thông và hỗ trợ khách hàng không có thẻ bảo hiểm y tế được tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị một cách thuận lợi, giúp khách hàng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ bệnh nhân uống ARV tuân thủ điều trị, hỗ trợ khách hàng được thăm khám và lấy thuốc nhanh chóng…
CSYT và TCCĐ thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin để giải quyết những vấn đề phát sinh nhằm hỗ trợ khách hàng được tốt hơn.
Mô hình này đã được ghi nhận như một bài học thành công của Trung tâm LIFE, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua – một giai đoạn rất khó khăn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh nguồn lực của ngành y tế có hạn, C2P là giải pháp tối ưu để tận dụng nguồn lực sẵn có từ cộng đồng không chỉ với chương trình phòng, chống HIV/AIDS mà còn có thể mở rộng ra cả với các lĩnh vực y tế khác - PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết thêm.
Nhờ C2P, hiệu suất người được tiếp cận điều trị ARV và uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm PrEP tại các CSYT do PEPFAR hỗ trợ tăng lên rõ rệt. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, riêng TPHCM có 71% người điều trị ARV và PrEP tại các CSYT có ký kết C2P.
Không những thế, mô hình C2P còn cho thấy tính thích nghi cao khi áp dụng vào các tình trạng khẩn cấp về y tế khác như đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn COVID-19 bùng phát, C2P đã giúp bệnh nhân HIV được chăm sóc và điều trị liên tục. Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch từ tháng 4 đến tháng 10/2021 tại TPHCM và Đồng Nai, mô hình hợp tác cộng đồng và y tế này cũng đã hỗ trợ tuân thủ điều trị cho 5.484 ‘người có H’.
C2P - Giải pháp kiểm soát dịch HIV/AIDS bền vững
Để hướng tới đạt được các mục tiêu quốc gia "95-95-95" và kiểm soát dịch HIV/AIDS bền vững vào năm 2030, vai trò và đóng góp của các tổ chức cộng đồng (TCCĐ) ngày càng được khẳng định, đặc biệt là trong hợp tác chiến lược với ngành y tế.
Theo PGS. TS Phan Thị Thu Hương, dịch HIV/AIDS là dịch bệnh hết sức đặc trưng, cần có sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức cộng đồng đồng hành cùng hệ thống y tế. Do đó, trong thời gian tới, nhóm giải pháp huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS được xác định là giải pháp hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, đến năm 2030 chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.
Ông Graham Harlow – Quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, Quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM Graham Harlow cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã thông qua Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) và Trung tâm LIFE triển khai mô hình C2P. Sự thành công của C2P khiến chúng ta cần đánh giá các cách thức nhằm nhân rộng mô hình tới nhiều tỉnh thành Việt Nam hơn nữa.
Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. Thông qua USAID, chúng tôi tự hào được hỗ trợ việc nâng tầm mô hình C2P, bởi chúng tôi nhận thấy vai trò thiết yếu của các tổ chức cộng đồng trong nỗ lực quốc gia nhằm ứng phó bền vững với đại dịch HIV/AIDS, ông Graham Harlow nói.
Mô hình hợp tác C2P ra đời năm 2014 trên nhu cầu cấp thiết tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức cộng đồng và các cơ sở y tế, cũng như giữa Trung tâm LIFE và Trung tâm Phòng chống HIV/AID trước đây và nay là với CDC địa phương. Trong mô hình C2P chiến lược này, dưới sự hỗ kỹ thuật và điều phối sát sao của Trung tâm LIFE và CDC địa phương, mỗi tổ chức cộng đồng kết nối với ít nhất 1 phòng khám quận/huyện "thân thiện" nhằm mục đích:
- Chuyển gửi và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn
- Theo dõi và hỗ trợ khách hàng không tuân thủ ARV hoặc bỏ trị
- Nhận và phản hồi thông tin kịp thời từ cơ sở y tế về khách hàng mà TCCĐ chuyển gửi hoặc góp ý về thái độ, chất lượng dịch vụ của các tiếp cận viên cộng đồng…
Tính đến năm 2022, LIFE đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Hà Nội. Đã có 28 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các TCCĐ và CSYT tại các tỉnh thành này theo mô hình C2P.
Mời độc giả xem thêm video:
Cách nào để giảm cân?