Mô hình bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo

22-08-2018 17:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tâm nguyện ấp ủ từ nhiều năm trời được thực hiện, niềm vui, niềm hạnh phúc không tả xiết lúc nào cũng đong đầy nơi đôi mắt tinh anh của người thầy thuốc của nhân dân – TTƯT, BSCKI. Nguyễn Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Tây Giang là một trong những huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam, cũng như của cả nước. Nơi đây có hơn 95% đồng bào dân tộc C’tu sinh sống, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy khô cằn, nhiều loại thực phẩm không có sẵn phải vận chuyển từ nơi khác đến nên giá cả đắt đỏ, giá thành cho 1 suất cơm bình dân từ  25 ngàn đến 30 ngàn. Vì vậy chuyện nhập viện điều trị luôn là gánh nặng đối với mỗi người bệnh và người nhà người bệnh, đặc biệt là những người bệnh phải nằm điều trị lâu dài.

Bếp ăn thu hút hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo

Trung tâm Y tế Tây Giang hằng năm tiếp nhận hàng chục ngàn bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, trong đó phần đa là bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiếp nhận khám và điều trị nội trú cho hàng trăm bệnh nhân khu vực giáp biên thuộc huyện Kàlừm, tỉnh Sêkông, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, cũng là một trong những huyện nghèo của nước bạn Lào. Trước thực tế đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang, Hội chữ thập đỏ huyện Tây Giang, các tổ chức, hội nhóm thiện nguyện Dang Tay tại Đà Nẵng đã phối hợp cùng với Trung tâm Y tế Tây Giang hỗ trợ tiền ăn hằng ngày, các bữa ăn sáng cho bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại Trung tâm. Nhưng từ trước đến giờ, bệnh nhân vẫn ăn uống đại trà, không theo chế độ ăn bệnh lý phù hợp với từng người bệnh. Chính vì thế, TTƯT, BSCKI. Nguyễn Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Y tế Tây Giang đã ấp ủ dự định xây dựng bếp ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân đến đây điều trị. Đích thân ông lặn lội tìm kiếm nguồn kinh phí, nhà đầu tư, thiết kế mô hình bếp ăn cho bệnh nhân, đảm bảo bệnh nhân được ăn uống đúng chế độ, khẩu phần ăn vừa phù hợp với bệnh lý vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết và nơi ăn uống của bệnh nhân luôn được sạch sẽ, hợp vệ sinh, giúp bệnh nhân nghèo yên tâm điều trị.

“Hơn 30 năm công tác tại mảnh đất vùng biên xứ Quảng này, tôi đã điều trị cho rất nhiều người bệnh, được đồng bào nơi đây ưu ái dành cho tình cảm đặc biệt. Hơn ai hết tôi hiểu nỗi vất vả, khó khăn của đồng bào, của các bố, các mế khi bị bệnh phải vào viện. Tôi ấp ủ dự định xây dựng cho bệnh nhân một bếp ăn dinh dưỡng ngay tại bệnh viện như thế này từ lâu lắm rồi mà giờ mới có thể thực hiện được, tôi cảm thấy có lỗi với người bệnh. Bây giờ  nhưng vui lắm, hạnh phúc lắm, vì mình có thể làm được chút gì đó cho đồng bào, cho bệnh nhân…” – Bác sĩ Thông xúc động chia sẻ.

Ngay ngày đầu khai trương, nhà bếp đã thu về 95 phiếu cháo, 217 phiếu cơm được các khoa phát cho từng bệnh nhân trong danh sách bệnh nhân nghèo đang điều trị tại mỗi khoa. Nhân viên phục vụ nhà ăn đều được đào tạo và có chứng chỉ về dinh dưỡng và về sinh an toàn thực phẩm. Anh Nguyễn Văn Tấn đến từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phụ trách chính nhà ăn cũng là đầu bếp chính, chia sẻ: “Bản thân tôi và người nhà cũng từng ít nhất một lần nằm viện điều trị, nhà xa gia đình không thể đem cơm được phải ra ngoài mua cơm rất cực, vừa đắt đỏ lại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không theo chế độ ăn cho mỗi bệnh nhân. Với mong muốn cùng góp sức với các y, bác sĩ mang lại sức khỏe cho người bệnh nên tôi đã nhận phụ trách bếp ăn này. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm chứ nếu vì lợi nhuận thì thực sự không làm được.”

Tôi đến nhà ăn lúc 11 giờ trưa ngày khai trương, ngồi trò chuyện với bệnh nhân Bling Nguyên 88 tuổi, quê ở tận xã Ch’ơm đang ăn cơm tại đây. Ông tâm sự: “Bố ở xa lắm, giáp Lào kia (xã Ch’ơm), nghèo lắm, lớn tuổi rồi nên đau luôn, gần như tháng nào cũng phải nằm viện. Tuy hộ nghèo được nhà nước miễn phí tiền khám chữa bệnh, còn được hỗ trợ tiền ăn khi nằm viện nữa nhưng phải ra ngoài ăn uống cực quá, hồi mặn, hồi nhạt, có khi mua về không nổi ăn. Giờ có bếp ăn luôn trong bệnh viện, sạch sẽ mà ăn ngon, tốt quá, tốt quá”.

Mô hình bếp ăn dinh dưỡng (căng tin) cho bệnh nhân hiện nay hầu như chỉ có ở các bệnh viện lớn nhưng mô hình bếp ăn dinh dưỡng miễn phí cho bệnh nhân nghèo thì không có nhiều, đặc biệt tại một Trung tâm Y tế vùng biên giới như Tây Giang. Thiết nghĩ con đường hành động vì người nghèo chưa bao giờ là dễ dàng, bằng phẳng nhưng chỉ cần đồng lòng chung sức, chung tay “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá nát”… chắc chắn chúng ta sẽ làm được.


Hàn Vũ
Ý kiến của bạn