HPG tuyến tỉnh 2016 chủ đề đề “Mô hình bác sỹ gia đình gắn với tăng cường hệ thống y tế cơ sở và bao phủ toàn dân” diễn ra tại Sa Pa, Lào Cai ngày 2/8/2016. (Ảnh: Nguyễn Vân)
Tại cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) với chủ đề “Mô hình bác sỹ gia đình gắn với tăng cường hệ thống y tế cơ sở và bao phủ toàn dân” có sự góp mặt của ông Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng đại diện các vụ, cục Bộ Y tế, các chuyên gia WHO và các tổ chức phi chính phủ, những ý kiến đưa ra từ các chuyên gia hàng đầu đã mở ra tương lai cho việc áp dụng mô hình bác sỹ gia đình vào Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh một cách hiệu quả ở Việt Nam.
Mô hình bác sỹ gia đình – chi phí thấp, hiệu quả cao
Bác sỹ gia đình là mô hình hiệu quả và quen thuộc với một số nước trên thế giới, tuy nhiên khái niệm này còn khá xa lạ với Việt Nam. Theo PGS. TS. Trịnh Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, người từng nắm giữ các cương vị trưởng bộ môn BSGĐ (bác sỹ gia đình), trưởng bộ môn YHGĐ (y học gia đình) của trường Đại học Y Dược Hải Phòng, bác sĩ gia đình là một mô hình thành công trên thế giới bởi chi phí thấp, hiệu quả cao. Các phòng khám bác sỹ gia đình có thể hiểu nôm na là clinics, nghĩa là khám lâm sàng (nghe, nhìn, sờ, thiết bị thông thường): phòng & chữa bệnh cho 70-80% dân số, và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ chi phí đầu tư. Đỉnh của chóp nón mới là kỹ thuật cao tại bệnh viện (đầu tư 80%, chăm sóc sức khỏe cho 5% dân số).
Bác sỹ gia đình lấy người bệnh làm trung tâm
Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một khái niệm mang tính nhân văn bởi lấy người bệnh làm trung tâm. Nếu ở bệnh viện, khi khám bệnh, người ta quan tâm đến căn bệnh, thì đối với bác sỹ gia đình, họ quan tâm đến người bệnh. Chẳng hạn như khi vào bệnh viện, sau khi chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì bác sĩ sẽ xét nghiệm, kê đơn thuốc. Còn bác sĩ gia đình còn quan tâm nhiều hơn thế, là tư vấn tâm lý, động viện người bệnh, theo dõi chế độ dinh dưỡng, tập luyện của người bệnh ngay từ khi mới thử đường huyết thôi chẳng hạn để không bị bệnh hoặc phát hiện sớm bệnh. Đối với các căn bệnh nan y, thường thì khi mắc bệnh rồi người ta mới tới bệnh viện và nhiều trường hợp đã ở giai đoạn muộn khiến điều trị khó khăn, tốn kém và cơ hội sống giảm sút. Đó là lý do tại sao tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở các nước châu Âu nhiều gấp 3 lần Việt Nam (tính trên dân số), nhưng tỷ lệ sống sót của họ lại cao hơn rất nhiều. Bởi nhờ hệ thống bác sỹ gia đình theo dõi, tư vấn sức khỏe ban đầu nên bệnh nhân được sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Ngoài theo dõi sức khỏe toàn diện cho người bệnh, tư vấn cách phòng bệnh, lối sống, phát hiện sớm nguy cơ, chẳng hạn ngay khi nhận thấy bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, người BSGĐ sẽ lập tức tư vấn cho người dân cách ăn uống, luyện tập phù hợp để phòng bệnh. Phòng khám bác sĩ gia đình (PKBSGĐ) có thể viết giấy chuyển viện cho người bệnh tới các cơ sở chuyên khoa hay bệnh viện tuyến trên khi nhận thấy các bệnh chuyên khoa cần phải điều trị. Ngoài ra, BSGĐ còn quan tâm đến tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình, tiêm chủng, ... như vậy, các PKBSGĐ có thể giúp giảm tải cho các bệnh viện, giúp sàng lọc và CSSKBĐ cho người dân để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Ở nhiều nước trên thế giới, các phòng khám BSGĐ cũng có thể được hưởng BHYT do nhà nước chi trả.
Cô đỡ thôn bản nơi vùng cao đóng vai trò như "người bác sỹ gia đình". Đây là "người bác sỹ" gần dân và nắm rõ không chỉ về thể trạng mà còn cả tâm lý và gia cảnh của người dân. Mô hình bác sỹ gia đình sẽ càng làm tăng thêm hình ảnh "lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền" của người bác sỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)
Bác sỹ gia đình có thể hiểu là chăm sóc sức khỏe ban đầu liên tục và toàn diện (ở một số nước, đôi khi phòng khám bác sỹ gia đình có thể theo dõi người bệnh từ khi họ còn là trẻ sơ sinh cho đến khi trưởng thành và về già). Đây là người bác sĩ gần dân nhất, gắn với cộng đồng nhất, có thể đến thăm khám tại nhà cho người bệnh, chữa bệnh ngoại trú và còn đóng vai trò y tế dự phòng, sơ cứu, phòng bệnh, thực hiện chuyển tuyến, phục hồi trị liệu tại nhà cho các thành viên trong gia đình. Tại phòng khám BSGĐ, mỗi người dân sẽ có một cuốn sổ để theo dõi tình hình sức khỏe một cách lâu dài và liên tục. Nếu ở bệnh viện chuyên khoa, thường thì chỉ có hồ sơ theo dõi một căn bệnh nhất định của bệnh nhân, còn PKBSGĐ thì sẽ theo dõi bao quát toàn bộ sức khỏe, mọi chỉ số cơ bản của người bệnh. BSGĐ còn như người bạn trò chuyện, động viên tâm lý giúp người bệnh vượt quá khó khăn trong điều trị. Để được cấp phép trở thành BSGĐ, người bác sỹ phải có bằng BSĐK (bác sĩ đa khoa) và trải qua các khóa học YHGĐ (y học gia đình) và được cấp chứng chỉ để hành nghề.
Mô hình bác sỹ gia đình gắn với hệ thống y tế cơ sở - hướng đi phù hợp với Việt Nam
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sỹ gia đình (BSGĐ) là một nghề cao quý, là xương sống của hệ thống CSSK, là nền tảng trong chăm sóc toàn diện với chi phí thấp nhất và lấy bệnh nhân làm trung tâm. Vậy thì mô hình phòng khám BSGĐ nào phù hợp nhất với Việt Nam? Theo kế hoạch phát triển mô hình bác sỹ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục KCB, Bộ Y tế trình bày, mô hình BSGĐ của Việt Nam đã được các chuyên gia Việt Nam và quốc tế nghiên cứu rất kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tiễn của VN, và mô hình này gắn với hệ thống y tế cơ sở và hướng tới bao phủ toàn dân.
Thứ nhất, trạm y tế xã phường theo YHGĐ. Hiện nay, hệ thống y tế cơ sở với vai trò CSSKBĐ đã đảm nhiệm 80% nhiệm vụ của BSGĐ, chỉ cần thêm đào tạo về YHGĐ là có thể hoàn thiện vai trò BSGĐ. Các trạm y tế xã phường có thể coi là nơi gần dân nhất, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu gần dân nhất, ở đây mọi hoạt động dự phòng, CSSKBĐ diễn ra như chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tiêm chủng, dinh dưỡng,... Nếu mở rộng mô hình PKBSGĐ tại đây, thêm nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe cho các gia đình với tiêu chí YHGĐ sẽ được triển khai. Thứ hai, PKBSGĐ tại BVĐK tuyến huyện và cuối cùng là PK BSGĐ tư nhân. Ở nước ngoài, hệ thống PKBSGĐ nằm trong hệ thống BHYT, nhưng để áp dụng cơ chế tài chính, xây dựng danh mục thuốc, BHYT, chi phí cho PKBSGĐ tại Việt Nam ở cả 3 hình thức CSSKBĐ là trạm y tế xã phường, PKBSGĐ tại BVĐK tuyến huyện và PKBSGĐ tư nhân thì rất cần chiến lược phù hợp. PKBSGĐ tư nhân cũng có thể do người dân tự chi trả hoặc BHYT chi trả. Và cũng cần phải xây dựng cơ cấu bệnh tật theo vùng miền, độ tuổi để đưa ra danh mục BHYT phù hợp cho các PKBSGĐ ở những nơi khác nhau. Để có thể hoàn thiện mô hình BSGĐ tại các trạm y tế, thì rất cần điều chỉnh cơ chế BHYT. Chẳng hạn như hiện nay, tại các trạm y tế xã, người bệnh được hưởng BHYT tiền thuốc, nhưng lại không được thanh toán tiền xét nghiệm nên buộc lòng người bệnh phải chuyển lên tuyến trên để được hưởng BHYT, gây quá tải cho tuyến trên. Vì vậy, cơ chế BHYT phù hợp ở cấp độ đáy của chóp nón sẽ giúp bao phủ y tế toàn dân một cách hiệu quả.
Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế đã ban hành chương trình đào tạo định hướng YHGĐ 3 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề, đã đào tạo được hơn 900 BSCK I và 1200 BSCK định hướng YHGĐ. Đến tháng 12/2015 đã thành lập được 240 phòng khám BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố (tp HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang) và đến tháng 6/2016 tổng số lượng PKBSGĐ là 332.
Mục tiêu chung của kế hoạch 2016-2020 là nhân rộng và phát triển mô hình PKBSGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ CSSK cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng CSSK ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Mục tiêu cụ thể là hoàn thiện mô hình phòng khám BSGĐ, ưu tiên phát triển mô hình phòng khám BSGĐ gắn với trạm y tế. Nhân rộng và phát triển PKBSGĐ theo lộ trình để đảm bảo đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình PKBSGĐ.
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại HPG Sa Pa 2016 chủ đề bác sỹ gia đình. (Ảnh: Nguyễn Vân)
Các chuyên gia WHO tham quan Trạm Y tế xã Sa Pả ở Sa Pa, Lào Cai. (Ảnh: Nguyễn Vân)
Các đại biểu HPG chụp ảnh lưu niệm tại Trạm Y tế xã Sa Pả
Trạm Y tế xã Sa Pả, Sa Pa, Lào Cai