Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tại TP.HCM hiện có 19/23 bệnh viện quận - huyện đã thành lập phòng khám BSGĐ thuộc khoa Khám bệnh. Cơ cấu từ 01 đến 03 bàn khám, do bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Mô hình phòng khám BSGĐ tại các bệnh viện: khu vực riêng biệt, quy trình khép kín từ khám, chữa bệnh - cận lâm sàng - chẩn đoán hình ảnh và thu phí (bệnh viện quận 10) hoặc lồng ghép trong khoa khám bệnh của bệnh viện khác (của các bệnh viện khác). Và có 191/319 trạm Y tế phường - xã thuộc 24/24 quận - huyện triển khai phòng khám BSGĐ. Với cơ cấu 1 bàn khám do bác sĩ có chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Mô hình phòng khám BSGĐ tại các trạm Y tế: đa số phòng khám thực hiện khám chữa bệnh theo nguyên lý BSGĐ lồng ghép với các hoạt động của trạm (quản lý sức khỏe, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh); một số phòng khám BSGĐ hoạt động độc lập với công tác của trạm.
Đến nay, TP.HCM đã có 343 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Bác sĩ gia đình. Trong năm 2016, hệ thống phòng khám bác sĩ gia đình của TP.HCM thực hiện 652.261 lượt khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, có 922 lượt cấp cứu, 5.845 trường hợp thực hiện thủ thuật, 3.851 lượt chuyển tuyến trên điều trị.
Hiện nay, các phòng khám BSGĐ chủ yếu khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mạn tính (COPD, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…); các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính đa khoa chưa được phát huy. Nguyên nhân theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, tại Bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa, ngoài phòng khám BSGĐ còn có nhiều phòng khám chuyên khoa sâu, do đó phòng khám BSGĐ chỉ có chức năng như một phòng khám nội tổng hợp. Còn tại trạm y tế, số lượng bệnh nhân chủ động đến khám chữa bệnh còn hạn chế.
Theo BS. Tăng Chí Thượng, trong giai đoạn 2013 - 2016, các phòng khám BSGĐ đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại các phòng khám BSGĐ thuộc khối bệnh viện quận, huyện; chỉ có 2,8% số lượng người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế. Tuy nhiên, một số trạm y tế đã nỗ lực thực hiện việc quản lý sức khỏe cho người dân như Trạm Y tế Bình Trưng Tây - quận 2 quản lý được 976 hồ sơ, Trạm Y tế phường Tâm Thành, phường Phú Thọ Hòa, phường Tân Thới Hòa và phường Tây Thạnh của quận Tân Phú thực hiện quản lý 200 hồ sơ mỗi trạm. Riêng phòng khám đa khoa Thành Công thuộc Công ty cổ phần trung tâm Y tế Thành Công hiện đang quản lý 1.100 hồ sơ sức khỏe.
BS. Thượng cho biết, nhìn chung số lượng người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện, liên tục và được khám sàng lọc tại phòng khám BSGĐ còn khiêm tốn. Người dân chưa hiểu biết về mô hình BSGĐ nên chưa quan tâm đến việc quản lý sức khỏe, khám sàng lọc phát hiện bệnh tật mà chỉ khám, chữa bệnh khi có dấu hiệu bệnh tật. Do đó, người được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại phòng khám BSGĐ chủ yếu là người bệnh…
Ngoài ra, trạm y tế chưa lồng ghép được việc quản lý sức khỏe cho người dân theo nguyên lý y học gia đình vào các chương trình quản lý sức khỏe hiện hữu tại trạm, ví dụ quản lý sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai…
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cũng đã có nhiều ý kiến vền những vấn đề còn khó khăn, tồn đọng cần khắc phục như chưa có đủ bác sĩ được đào tạo về Y họ gia đình, đặc biệt là tại trạm y tế. Nhân sự phục vụ công tác tại phòng khám BSGĐ của trạm y tế chưa tập trung được vào hoạt động chuyên môn do phải phụ trách nhiều hoạt động khác của địa phương…Năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế phường - xã chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám BSGĐ: danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế theo quy định còn hạn chế; chưa thực hiện các kỹ thuật chân đoán cận lâm sàng cơ bản (siêu âm tổng quát, đo điện tim, Xquang, xét nghiệm…) do chưa có trang thiết bị và nhân sự được đào tạo phù hợp. Chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và kết nối thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ trong quá trình quản lý bệnh nhân. Phần mềm công nghệ thông tin quản lý thông tin bệnh nhân của phòng khám BSGĐ còn mang tính riêng lẻ, chưa thống nhất trong hệ thống các phòng khám BSGĐ. Chưa thực hiện tốt truyền thông, quảng bá về mô hình BSGĐ. Người dân chưa có hiểu biết chung về mô hình BSGĐ và chưa tin cậy vào hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế…
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số phòng khám BSGĐ và nghe các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao một số đơn vị đã triển khai tốt mô hình bác sĩ gia đình tại quận Thủ Đức, Tân Phú, phòng khám Thành Công. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lắng nghe các đơn vị khác trình bày những khó khăn, hạn chế khi triển khai mô hình này. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần nghiên cứu để khắc phục. Trong thời gian tới phải phát triển về số lượng và cải tiến chất lượng theo mô hình BSGĐ tại TP.HCM nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Chuẩn hóa hoạt động của phòng khám BSGĐ, đặc biệt là tại trạm y tế để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thể hiện được nguyên lý của Y học gia đình, từ đó tạo niềm tin và sự thu hút cho người dân đối với mô hình.