Mở cửa theo lộ trình và giám sát chặt chẽ

15-06-2020 15:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Mở cửa theo lộ trình và giám sát chặt chẽ

Đề xuất giải pháp khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho rằng, cần tập trung mở cửa theo lộ trình và có sự giám sát chặt chẽ với 17 nước là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Đặc biệt, cần lập lộ trình sớm mở cửa với 10 quốc gia đã cơ bản khống chế được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Với các quốc gia còn lại, theo đại biểu, cần theo dõi sát và nhanh chóng mở cửa trở lại khi đủ điều kiện.

Dự báo việc đầu tư nước ngoài trong năm nay có thể giảm 30% so với năm ngoái, du lịch giảm 50%... đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, Việt Nam phải có sự điều chỉnh cho phù hợp tình hình, cần sớm công bố hết dịch trong nước, khi số người mắc và số người đang điều trị rất thấp. “Tóm lại, cần lộ trình mở cửa với từng nước, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, phát huy sức mạnh văn hóa, chính trị và sức mạnh kinh tế của nước Việt Nam”, đại biểu đề nghị.

Phát huy nội lực doanh nghiệp trong nước

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng trong phòng, chống dịch COVID-19 và những thành quả đầy tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhân dân và cử tri tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. “Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.


Tuấn Dương
Ý kiến của bạn