PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sắp tới, Bệnh viện sẽ tiếp nhận chuyển giao và đưa vào sử dụng Hệ thống theo dõi thần kinh (Nerve Monitoring System - NVM5) trong phẫu thuật cột sống.
Đây là một thiết bị có tính năng đo điện cơ, điện thế gợi vận động, giúp phẫu thuật viên giảm thiểu sự va chạm dẫn tới tổn thương rễ thần kinh thông qua hệ thống phản hồi tín hiệu thời gian thực dưới dạng hình ảnh (tín hiệu xanh/đỏ/vàng thể hiện khoảng cách an toàn với rễ thần kinh) và âm thanh (tín hiệu cảnh báo chậm/ nhanh). Nói cách khác, hệ thống này có tác dụng cảnh báo cho các bác sĩ phẫu thuật tránh được các dây thần kinh, không làm tổn thương nó trong quá trình phẫu thuật, tránh liệt cho bệnh nhân sau mổ.
PGS.TS. Kiều Đình Hùng.
NVM5 được sử dụng rộng rãi trong nhiều chỉ định như phẫu thuật cột sống lưng (qua lối trước, lối sau và lối bên), phẫu thuật cột sống cổ (lối trước, lối sau), thay đĩa đệm,... Đây là một giải pháp hiện đại, tiên tiến, hiện đang triển khai và chỉ định rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực như: Mỹ, Đức, Italia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore...
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những địa chỉ hàng đầu trong điều trị, phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến cột sống như trượt, hẹp ống sống, thay thân đốt sống do u, thoát vị đĩa đệm, tạo hình đốt sống... Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng Hệ thống theo dõi thần kinh trong phẫu thuật cột sống.
Theo PGS.TS. Kiều Đình Hùng, các bệnh lý cột sống hiện nay ngày một phổ biến, bệnh thường gặp ở những bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, gù vẹo... hay chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Chẩn đoán các bệnh lý cột sống không khó nhờ các dấu hiệu lâm sàng, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Tuy nhiên điều trị các bệnh cột sống rất phức tạp đòi hỏi phải khám các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh hoặc Phẫu thuật cột sống dựa vào dấu hiệu lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thể trạng bệnh nhân, tuổi, các bệnh lý phối hợp mà chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh. Phần lớn các bệnh cột sống điều trị bằng nội khoa như vật lý trị liệu, kéo dãn cột sống, châm cứu…
Theo thống kê của các nước phát triển có khoảng 20-30% các bệnh cột sống cần phẫu thuật, tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật cột sống ngày càng tăng lên và phẫu thuật ngày càng an toàn hơn nhờ tiến bộ của khoa học, đặc biệt của các trang thiết bị. Tuy tổn thương thần kinh trong phẫu thuật cột sống gặp không nhiều nhưng hậu quả rất nặng nề, đó luôn là điều lo ngại của cả các bác sĩ lẫn bệnh nhân. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều bệnh nhân cột sống cần phẫu phuật, nhưng nhiều bệnh nhân khi được chỉ định phẫu thuật băn khoăn là có bị liệt sau khi phẫu thuật cột sống hay không. Chính vì lo sợ bị liệt nên đa phần người bệnh đến viện quá muộn như bị liệt, bị tổn thương thần kinh quá nặng nên sau khi phẫu thuật hồi phục không được như mong muốn, trong khi bác sĩ khuyến cáo cần phẫu thuật sớm khi có chỉ định thì kết quả sau mổ mới tốt được.
Thông tin liên hệ:
PGS.TS.BS Kiều Đình Hùng
Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y Hà nội
ĐT: 0986996699
Email: kieudinhhung2008@gmail.com