Bệnh nhân P.V.N, 56 tuổi, trú tại Ba Vì – Hà Nội được chẩn đoán u giáp thùy trái kích thước 10x6mm cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân gầy yếu chỉ nặng 36kg, hơn nữa lưng bị còng đến 90 độ không thể nằm ngửa nên ca mổ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu gây mê hồi sức.
Bệnh nhân P.V.N chỉ nặng 36 kg, lưng bị gù nặng
BSCKII. Hà Kim Hảo – Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê – Hồi sức, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, đây là một ca phẫu thuật trong tư thế nửa nằm nửa ngồi cực kỳ đặc biệt và ít gặp. Lồng ngực bệnh nhân nhỏ, giãn nở kém do bị gù vẹo dẫn đến chức năng hô hấp hạn chế, cộng thêm thể trạng suy kiệt nên trong mổ có thể xảy ra những tình huống khó lường.
Vì vậy, các bác sĩ gây mê và phẫu thuật đã phải hội chẩn rất kĩ càng, chuẩn bị các trang thiết bị chuyên dụng là đèn đặt nội khí quản có màn hình camera, bộ mở khí quản cấp cứu để sẵn sàng ứng phó. Ngoài những xét nghiệm tiền phẫu cơ bản, bệnh nhân được cho siêu âm tim và chụp cắt lớp phổi nhằm phát hiện các dị dạng có khả năng gây nguy hiểm cho cuộc mổ.
Kíp phẫu thuật đã phải sử dụng nhiều dụng cụ hỗ trợ để sắp xếp tư thế trên giường mổ sao cho bệnh nhân có thể chịu được, đồng thời phẫu thuật viên quan sát và tiếp cận được thuận lợi nhất với vị trí cần phẫu thuật.
Bệnh nhân được đặt nằm ngửa với chân, cổ kê cao, cố định lưng và đặt ống nội khí quản gây mê. Các thông số hô hấp chỉ huy cũng được các bác sĩ tính toán chi tiết để cài đặt phù hợp với tình trạng người bệnh và theo dõi sát sao trong suốt ca mổ.
Bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật trong tư thế nằm đặc biệt
Ca phẫu thuật diễn ra trong 2 giờ đồng hồ. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt khối u giáp thùy trái, vét hạch cổ. Sau đó, bệnh nhân được cho thở máy thêm 30 phút và dùng thuốc giải giãn cơ đặc hiệu, đảm bảo không còn thuốc mê trong cơ thể mới rút ống nội khí quản để bệnh nhân an toàn bước vào quá trình hậu phẫu.
Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân hồi phục rất tốt và có thể ăn uống đi lại bình thường.
Bệnh nhân N. cho biết, năm 40 tuổi ông bị viêm cột sống khiến lưng bị gù. Mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không hiệu quả, lưng ông ngày càng còng nặng, gập đến 90 độ khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
“Phát hiện ung thư, tôi và gia đình cũng lo nhưng được bác sĩ giải thích cặn kẽ nên trước khi lên bàn mổ, tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào bệnh viện. Tôi trải qua ca phẫu thuật rất nhẹ nhàng, hồi phục nhanh nên cả nhà ai cũng mừng lắm!”, bệnh nhân N. vui vẻ chia sẻ.
Các bác sĩ gây mê luôn theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân trong suốt cuộc mổ
Gây mê và an thần trong phẫu thuật/thủ thuật là kỹ thuật phức tạp, có tiềm ẩn rủi ro. Do đó các tiêu chí an toàn luôn được các bác sĩ gây mê của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đưa lên hàng đầu. Người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê đánh giá đầy đủ và toàn diện trước khi phẫu thuật, từ đó lập kế hoạch điều trị trước khi phẫu thuật, phương án gây mê, kế hoạch chăm sóc và giảm đau sau mổ phù hợp nhằm giúp người bệnh sớm phục hồi các chức năng trước khi xuất viện.
Phụ nữ bị ung thư tuyến giáp nhiều gấp 3 lần nam giới. Ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Phụ nữ hay mắc bệnh ở độ tuổi 45-49, trong khi nam giới là 65-69.