Khi chị P. vào viện đã ra máu âm đạo lượng nhiều được các bác sĩ thăm khám, đánh giá thai phụ có khối u mềm, kích thước lớn chèn ép gây khó khăn trong việc xác định cổ tử cung, âm đạo có nhiều máu sẫm lẫn máu đỏ tươi.
Kết quả siêu âm ghi nhận 1 thai ngôi đầu đang phát triển trong buồng tử cung, mặt trước thân tử cung đoạn eo có khối u xơ kích thước lớn 18x12 cm.
Khối u xơ tử cung lớn ở đoạn dưới tạo thành khối u tiền đạo, gây cản trở đường ra của thai qua ngả âm đạo. Sau khi giải thích cho người nhà về tình trạng bệnh nhân, các nguy cơ chảy máu trong mổ do đờ tử cung và khả năng bóc u xơ trong mổ, bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu và dự trù 1 đơn vị hồng cầu khối đồng nhóm.
Phẫu thuật kết hợp vừa lấy thai, vừa bóc u xơ tử cung kích thước lớn là một phẫu thuật phức tạp, có nhiều nguy cơ cho sản phụ cũng như gây khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật.
Sản phụ có nguy cơ cao bị chảy máu trong quá trình phẫu thuật, nguy cơ băng huyết sau sinh do tử cung co hồi kém nên nhiều trường hợp có thể phải cắt tử cung để cầm máu.
Vì vậy việc chẩn đoán, xử lý khối u xơ cần phải thận trọng, việc bóc tách khối u xơ tử cung trong khi phẫu thuật lấy thai chỉ được phép thực hiện tại các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm, tránh tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Bằng kinh nghiệm chuyên môn nhiều năm, sau hơn 1 giờ, BS.CKI. Pha Ly, BVĐK Trung ương Quảng Nam cùng ê kíp đã thực hiện phẫu thuật mổ bắt con thành công, đồng thời loại bỏ được khối u xơ kích thước. Tử cung sản phụ co kém nên đã tiến hành thắt động mạch tử cung cầm máu kèm xử trí tích cực bằng thuốc.
Sau mổ, sức khỏe của mẹ và bé ổn định. Em bé được nằm da kề da với mẹ 90 phút, bú mẹ sớm và hoàn toàn. Đây được xem là sự thành công về mặt chuyên môn khi ê kip phẫu thuật bảo toàn được tử cung cho cho sản phụ, không cần chuyền thêm máu sau mổ, không gây chảy máu cũng như các biến chứng khác sau phẫu thuật.