Sản phụ tên là Nguyễn Minh T, sinh năm 1992, địa chỉ Lạch Tray, Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng. Vào viện hồi 23h ngày 29/5/2019, được bác sĩ trực khám và siêu âm với chẩn đoán thai lần 2, trên 37 tuần, ngôi đầu, tiền chuyển dạ, theo dõi dây rau thắt nút. Sản phụ được chuyển lên khoa Đỡ đẻ theo dõi tiếp.
Sau đó được PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện hội chẩn, chẩn đoán: chuyển dạ đẻ lần 2, trên 37 tuần, ngôi đầu, dây rau thắt nút, chỉ định mổ lấy thai. Bác sĩ nhận định, thai bị dây rau thắt nút, nếu không nhanh chóng xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nên chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Sau hơn 30 phút thực hiện, kíp mổ đã lấy ra bé trai nặng 2,8kg dây rau dài 50cm thắt nút đơn (thắt nút một vòng). Sau mổ hai mẹ con sản phụ ổn định và tiếp tục được theo dõi taị Bệnh viện.
Em bé được lấy ra trong tình trạng dây rau thắt nút.
Trước đó, sản phụ Nguyễn Thị L, sinh năm 1991, ở Hùng Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng vào viện, được chẩn đoán chuyển dạ đẻ lần 2, ngôi đầu, thai trên 38 tuần, ối vỡ hoàn toàn, cổ tử cung mở hết, dây rau thắt nút đơn. Sản phụ được chuyển thẳng lên khoa Đỡ đẻ, kíp đỡ đẻ xử trí thành công (đẻ thường) đón ra 01 nhi trai, cân nặng 3 kg. Sau đẻ bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Theo các sĩ, nút thắt dây rốn hiện tại vẫn là một khó khăn cho chẩn đoán trước sinh, kể cả với những chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, chỉ tính từ giữa năm 2018 đến nay đã phát hiện và xử trí thành công 5 ca dây rau thắt nút, trong đó có ca song thai dây rau thắt 5 nút.
Điều này cho thấy, hiện tượng dây rau thắt nút có chiều hướng ra tăng, được phát hiện tần suất ngày càng tăng cao. Để phát hiện tốt nhất thai phụ cần khám thai định kỳ, đặc biệt từ giai đoạn giữa của thai kỳ (trước 22 tuần thai).
Thắt nút dây rốn hay còn gọi là dây rau thắt nút vô cùng nguy hiểm, không chỉ trong quá trình mang thai mà còn nguy hiểm trong cả quá trình sinh.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu, thống kê về nguyên nhân của hiện tượng dây rau thắt nút nhưng theo tất cả các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài thì không thể chuẩn đoán trước sinh hiện tượng này, tỉ lệ mắc dây rau thắt nút qua tài liệu nghiên cứu, hồi ký nước ngoài chiếm 0,3 – 1,3%.
Có một số yếu tố nguy cơ có thể gây dây rau thắt nút như chửa đa thai, đa ối, thai suy dinh dưỡng có thể di chuyển hoặc có thể làm ảnh hưởng hay tiền sử sảy thai nhiều lần cũng có nguy cơ gây ra.