Hà Nội

Mổ cấp cứu bé gái sơ sinh có ruột nằm ngoài bụng

07-01-2021 14:21 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ BVĐK tỉnh Kon Tum vừa phẫu thuật thành công đưa toàn bộ đường tiêu hóa trở lại khoang bụng cho bệnh nhi nặng 2.5 kg bị dị tật hở thành bụng hiếm gặp.

Trước đó, lúc 18h00 ngày 2/1/2021 sản phụ Y.L (ở  Đăk Cấm, Kon Tum) sinh thường tại nhà, sau khi sinh gia đình phát hiện ruột của bệnh nhi nằm ngoài ổ bụng qua lỗ hở cạnh bên phải rốn nên gia đình đã  đến BVĐK tỉnh Kon Tum cấp cứu.

Qua thăm khám các bác sĩ khoa Nhi, BVĐK tỉnh Kon Tum  xác định bệnh nhi bị thoát vị dạ dày, toàn bộ ruột bị lộ ra ngoài, đe dọa đến tính mạng.

Trước tình hình khẩn cấp, các bác sĩ Khoa Nhi đã hội chẩn với Khoa Ngoại Tổng hợp, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức đi đến quyết định phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhi.

Trong quá trình phẫu thuật cấp cứu các bác sĩ phát hiện toàn bộ ruột non, một phần đại tràng và dạ dày nằm ngoài ổ bụng. Lỗ hở thành bụng bên phải cuống rốn có kích thước 5x5 cm.

BS đang chăm sóc sức khoẻ cho bé tại BVĐK tỉnh Kon Tum

BS CKII. Trần Văn Hiền, Phó khoa Ngoại tổng hợp chuyên khoa ngoại nhi,  phẫu thuật viên chính cho biết, với trường hợp này, nếu không mổ kịp thời và được các bác sĩ Khoa Nhi xử trí ban đầu tốt thì ruột bé sẽ bị nhiễm trùng, phù nề, khó đưa vào bụng có thể đe dọa tính mạng bé.

BS. Hiền cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai nên siêu âm tối thiểu 3 lần trong 3 giai đoạn thai kỳ. Đặc biệt, không nên sinh tại nhà phải đến cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Cũng theo BS. Hiền, hở thành bụng xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai, khi các cơ trong thành bụng được hình thành không bình thường và tạo ra lỗ cho phép ruột và các cơ quan khác chạy ra bên ngoài cơ thể, thường lỗ này ở phía bên phải của rốn.

Do ruột không được bọc trong túi bảo vệ và tiếp xúc với nước ối, nên ruột có thể bị kích thích, khiến chúng bị rút ngắn, xoắn hoặc sưng. Tỉ lệ 1/15.000 - 30.000 trẻ sinh sống. Hở thành bụng hiếm kết hợp dị tật bẩm sinh khác, tỉ lệ 5 - 10%.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn