Mổ cấp cứu bé 23 ngày tuổi bị thoát vị bẹn nghẹt

20-06-2019 07:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa mổ cấp cứu bé 23 ngày tuổi bị thoát vị bẹn nghẹt.

Bệnh nhân là bé Dương Lạc A, 23 ngày tuổi (ở Tô Hiệu, Bình Gia, Lạng Sơn), vào viện trong tình trạng quấy khóc, có khối sưng bìu phải.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuổi bệnh nhân quá nhỏ, dễ có các tai biến trong gây mê phẫu thuật và hậu phẫu cho bệnh nhân.

Ngay lập tức bệnh nhân đã được chuyển mổ cấp cứu. Sau hơn 1 giờ làm việc tích cực, ca phẫu thuật thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc, theo dõi đặc biệt do những rối loạn bệnh lý từ trước và sau mổ đều là rất nặng đối với trẻ sơ sinh. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bé A hồi phục tốt và được ra viện.

Sau hơn 1 giờ ca phẫu thuật cho bệnh nhi đã thành công.

Việc phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân sơ sinh là sự cố gắng, nỗ lực của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp và Khoa Gây mê Hồi sức. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi thấy trẻ có dấu hiệu quấy khóc, có khối sưng đau vùng bẹn – bìu cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thoát vị bẹn gặp khá phổ biến ở trẻ em mà nguyên nhân là do còn ống phúc tinh mạc. Đây là bệnh phải xử trí bằng ngoại khoa, do đó, các bậc cha mẹ khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần phải được khám và điều trị đúng đôi khi cần phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng nơi này khá yếu. Nữ giới thường ít gặp thoát vị bẹn và thường chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau phẫu thuật.

Thoát vị gặp ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ gặp từ 0,8 - 4,4% ở trẻ em. Có nghĩa là cứ 1000 trẻ em thì có từ 8 đến 44 trẻ bị mắc bệnh này. Ở trẻ sinh non tần suất lên đến 30% tùy theo tuổi thai. Bệnh xảy ra ở cả hai giới nhưng trẻ nam có tỷ lệ bệnh cao hơn trẻ nữ 5-10 lần. Khoảng 60% thoát vị bẹn xảy ra bên phải, 25% - 30% xảy ra bên trái, 10%- 15% xảy ra cả hai bên.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc ở trẻ nam (hoặc ống Nuck ở trẻ nữ), mà đáng nhẽ ra các ống này phải được đóng kín trước khi sinh, khi đường kính ống này đủ lớn để các tạng trong ổ bụng (ruột, mạc nối lớn, buồng trứng/phần phụ) có thể chui qua đó xuống bẹn và bìu gây thoát vị bẹn.

Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng (khối thoát vị) tại vùng bẹn bìu ở trẻ trai và tại vùng bẹn môi lớn của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục... Lúc trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, khối phồng xẹp đi, vùng bẹn của trẻ trở lại như bình thường.

BS Liên cho biết, các dấu hiệu để nhận biết thoát vị bẹn bị nghẹt: đó là khối phồng tại vùng bẹn không xẹp lại như mọi khi mà căng cứng, sờ vào gây đau, da trên khối phồng có thể đổi màu, thân nhiệt tăng và dấu hiệu tắc ruột trở nên rõ ràng. Trẻ nhỏ thì bỏ bú, nôn, quấy khóc, trẻ lớn thì kêu đau vùng bẹn

Nếu không được điều trị kịp thời, thoát vị bẹn nghẹt có thể khiến cho 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường bị ở trẻ nhỏ và khoảng 60% số bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong 3 tháng đầu sau đẻ; rối loạn tiêu hoá, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ; bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn.

Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa. Mục đích của phẫu thuật là thắt lại ống phúc tinh mạc hoặc ống Nuck (trẻ nữ).



Lê Mai
Ý kiến của bạn