Hà Nội

Mổ bướu cổ có gây khàn tiếng?

18-09-2017 07:13 | Đời sống
google news

SKĐS - Em năm nay 47 tuổi, là giáo viên, đã mổ bướu cổ cách đây 10 năm. Từ đó em rất hay bị khàn tiếng. Xin hỏi có phải sau mổ bướu bị khàn hay bệnh nào khác? Cách nào khắc phục?

Đặng Thị Thanh Dung (thanhdung@gmail.com)

Khàn tiếng là tình trạng tổn thương ở thanh quản, khi phát âm, hai dây thanh không khép kín được gây nên hiện tượng khàn. Nguyên nhân do sung huyết, viêm thanh quản, hạt xơ, polyp, lao hoặc ung thư thanh quản. Trong đó, bệnh lý thường gặp nhất gây khàn tiếng là viêm thanh quản, xuất hiện ở những người thường xuyên phải nói nhiều như giáo viên, nhân viên bán hàng, ca sĩ, người hay hút thuốc lá, uống rượu bia, làm việc trong môi trường ô nhiễm, có bệnh lý về viêm họng amidan, viêm mũi xoang mạn, viêm dạ dày trào ngược. Bên cạnh đó, khàn tiếng có thể do tổn thương dây thần kinh quặt ngược trong phẫu thuật bướu cổ, chấn thương thanh quản hoặc tổn thương não... Điều lưu ý là tình trạng viêm thanh quản lâu ngày có thể thành polyp dây thanh, hạt xơ hoặc ung thư thanh quản. Trường hợp của bạn cũng có thể do tổn thương dây thần kinh quặt ngược chi phối dây thanh nên gây khàn tiếng. Để hạn chế, cần tránh nói nhiều, nói to, tránh để viêm nhiễm vùng hầu họng, thanh quản bằng cách súc họng nước muối loãng hàng ngày, giữ ấm vùng cổ khi trời lanh hoặc vào phòng điều hòa lạnh, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc. Trong những ngày đầu khàn tiếng, nên uống nước giá luộc, ăn uống các món thanh nhiệt giải độc, không ăn thực phẩm nóng, xào, nướng, chua cay. Khi khàn tiếng kéo dài 2-3 tuần, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để có biện pháp xử lý kịp thời.

BS. Vũ Ngọc Anh


Ý kiến của bạn