HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp
Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2015 là năm thứ 8, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí. Đó là, giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Có nhiều mô hình tốt trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại như Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch; Mở rộng điều trị thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV; Triển khai sáng kiến điều trị 2.0; Cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tại cộng đồng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sang trong khu vực về triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ mít tinh
Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Sự quay quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS vẫn đang hiện hữu khi mà nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống đặc biệt là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh, các biện pháp can thiệp giảm tác hại chưa được triển khai đủ mạnh trên diện rộng; Vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử vẫn và HIV/AIDS không được quan tâm đúng mức của mỗi cá nhân.
Hiện Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Đến nay toàn quốc đã có gần 230 ngàn trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay đã có hơn 86 ngàn người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội và tương lai giống nòi của các dân tộc.
Hướng tới mục tiêu 90-90-90...
Với chủ đề của tháng hành động là “Hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Đây là một thông điệp mạnh mẽ để một lần nữa khẳng định cam kết và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, của Lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như mỗi người dân với những mục tiêu mà chúng ta đã cam kết và đang hướng tới. Bởi vì:
Khi được xét nghiệm và phát hiện tình trạng nhiễm HIV của mình sớm thì người nhiễm sẽ tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV. Họ cũng có cơ hội tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho người thân và cho cộng đồng.
Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội và giảm khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp là chỉ báo quan trọng về chất lượng và tuân thủ điều trị ARV của bệnh nhân.
Như vậy, nếu đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, người đã nhiễm HIV có sức khỏe tốt và giảm lây nhiễm HIV cho người khác, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Sinh viên tham gia biểu diễn flashmob tại buổi lễ mít tinh
Tuy nhiên, việc thực hiện thành công các mục tiêu này còn nhiều khó khăn, thách thức, theo ước tính và dự báo, Việt Nam hiện có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 78% trong số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của họ. Trong lĩnh vực điều trị, tính đến tháng 9/2015, toàn quốc có hơn 102 ngàn bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV mới đạt 45% số người nhiễm được phát hiện. Việc xét nghiệm tải lượng vi rút ở Việt Nam chưa mang tính thường quy...
Các hoạt động trong tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm huy động sự quan tâm, tham gia cuả lãnh đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS; Tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Sau buổi lễ, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS đã thăm và tặng quà trẻ em nhiễm HIV tại tỉnh Bắc Ninh.
Cục phòng, chống HIV/AIDS và Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV tại tỉnh Bắc Ninh