Sáng 28/9, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Cục Thú y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023 tại tỉnh Gia Lai với chủ đề Tất cả vì 1 "Một sức khỏe cho tất cả" (All for One, One Health for all). Buổi lễ còn nhận được sự quan tâm và tham dự của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như WHO; FAO; CDC Hoa Kỳ, USCDC, GIZ, Four Paws International…
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành y tế - nông nghiệp cũng như hợp tác đa ngành nhằm đạt mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại 2022-2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Được chọn là địa điểm tổ chức Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023, ông Lý Minh Thái - Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai là một trong những tỉnh có ca bệnh dại tử vong liên tiếp cao nhất trong các năm qua và cao nhất khu vực Tây Nguyên. Đến tháng 9/2023, tỉnh đã ghi nhận 11 ca tử vong. Nguyên nhân là do số lượng vật nuôi trong các hộ dân ngày càng nhiều tuy nhiên việc quản lý đàn chó mèo còn chưa chặt chẽ và tỷ lệ tiêm phòng thấp. Tỷ lệ tử vong hầu hết là do không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó mèo cắn. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp sau khi bị chó mèo cắn không đến cơ sở y tế để được tư vấn mà tự điều trị bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Trong thời gian tới ngành thú y tỉnh Gia Lai sẽ kết hợp với địa phương để tăng cường việc quản lý và tăng tỷ lệ tiêm phòng cho chó mèo với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh từ động vật.
Phát biểu tại lễ mít tinh ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Mặc dù đã được dự phòng bằng vaccine, thế giới vẫn ghi nhận khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, gần 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại tại các cơ sở y tế.
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong dại trên người chủ yếu là do người bị chó mèo cắn không tiêm phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo còn thấp.
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Để phòng ngừa bệnh dại cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ, thường xuyên. Đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền và toàn thể người dân, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.
Cũng tại buổi lễ, TS Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin: Tính đến tháng 9/2023, đã phát hiện 189 ổ dịch dại trên động vật tại 30 tỉnh, thành phố. Để chủ động kiểm soát tốt bệnh dại trong thời gian tới, các cấp các ngành cần quản lý tốt và tiêm phòng dại cho đàn chó mèo đạt 70-80%. Nâng cao nhận thức, năng lực của hệ thống giám sát, điều tra xử lý ổ dịch; nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm và chuyên môn trong xử lý bệnh dại. Bên cạnh đó cần xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên động vật đặc biệt ở các thành phố lớn và các vùng du lịch; chủ động xử lý sớm cho những người không may bị chó dại cắn.
Tại lễ mít tinh, đại diện các cơ quan ban ngành cũng kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức quốc tế với Việt Nam trong công tác phòng chống bệnh dại. Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tổ chức trong nước và quốc tế ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại.
Một số hoạt động tại buổi lễ mít tinh Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023: