Hà Nội

Minh Vượng trị bạo bệnh bằng tiếng cười

01-10-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đã xấp xỉ lục tuần, từng suýt thành “nghệ sĩ nhăn răng” (từ của Minh Vượng) không ít lần vì bạo bệnh nhưng mỗi lần nói chuyện với Minh Vượng người ta có cảm giác như chị chưa bao giờ biết buồn khổ là gì.

Đã xấp xỉ lục tuần, từng suýt thành “nghệ sĩ nhăn răng” (từ của Minh Vượng) không ít lần vì bạo bệnh nhưng mỗi lần nói chuyện với Minh Vượng người ta có cảm giác như chị chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Thậm chí, so với 5 năm về trước Minh Vượng có phần trẻ trung và lạc quan hơn. Nữ danh hài cũng trải lòng nhiều hơn về cuộc sống riêng của mình, điều mà trước đây chị hết sức né tránh.

Minh Vượng trị bạo bệnh bằng tiếng cười

Nghệ sĩ Minh Vượng.

“60 năm vẫn chạy tốt”

Minh Vượng cho biết, từ năm 2011, khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Kịch Hà Nội, chị về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Ở đây, chị đảm trách công việc xây dựng sân khấu học đường, dựng những vở kịch có độ dài 60 phút kể các câu chuyện mang nhiều ý nghĩa để dạy cho các em học sinh hiểu về những giá trị đạo đức, biết phân biệt cái thiện, cái ác... Theo Minh Vượng, kể từ khi về Nhà hát Chèo Hà Nội, có hôm diễn 4 “sô”, có hôm 6 “sô”, cao điểm có hôm lên tới 8 “sô”... Ngoài công việc ở đây, chị còn tham gia giảng dạy bộ môn “Kỹ thuật biểu diễn” và “Kỹ thuật tiếng nói” cho sinh viên Khoa Kịch của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường đã giúp chị trở thành một “cây hài” nổi tiếng Việt Nam. Không dừng lại ở đó, nữ danh hài này còn dạy “biểu cảm ngôn ngữ” và “kỹ năng sống” cho các em nhỏ của Trường Quốc tế Việt - Bun và Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Tất nhiên, thỉnh thoảng chị vẫn tham gia một số “sô” tạp kỹ của sân khấu tỉnh để đỡ nhớ khán giả.

“Một tuần có 7 ngày thì tôi đã dạy học tới 6 ngày rồi. Tuy rằng tiền không nhiều nhưng trong lúc sân khấu đang rất khó khăn thì việc đào tạo các lớp kế cận rất quan trọng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm. Hơn nữa, nó cũng xuất phát từ cái tâm của mình, nhất là khi tôi cũng từ Trường Nghệ thuật - Sân khấu mà ra. Quay lại trường là để trả ơn trường, trả ơn tổ nghề”.

Công việc của Minh Vượng cứ trải dài từ 6h sáng đến 11h đêm nhưng cứ hôm nào được nghỉ Minh Vượng lại có cảm giác bị ốm, mệt. Chị không phủ nhận việc vùi đầu vào công việc một phần là để quên đi nỗi cô đơn của một người phụ nữ không chồng, không con. Nhưng theo Minh Vượng thì chị không hề đơn độc bởi những lúc rảnh rỗi chị lại giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa hoặc nấu ăn cùng bạn bè.

“Tôi may mắn vì nhà tôi có tới 6 anh chị em nên con cháu rất đông. Nếu có thời gian tôi lại nấu ăn và vui chơi với các cháu. Việc chơi với các cháu rất có lợi vì tình cảm ruột thịt trong gia đình gần gũi hơn. Qua đó tôi cũng hiểu hơn về những suy nghĩ của lớp trẻ để xây dựng các bài giảng và đưa vào trong tác phẩm sân khấu”, Minh Vượng nói.

Giải thích lý do vì sao đã lâu không đóng phim, Minh Vượng cho rằng, thế hệ của chị đã quá già, quá cũ... nên cần nhường cho các bạn trẻ với những gương mặt mới. Thêm vào đó, làm phim tốn rất nhiều thời gian mà chị lại quá nhiều công việc nên nếu có phim hay chị cũng phải “nuốt nước bọt” từ chối.

“Trị” bạo bệnh bằng tiếng cười và lòng lạc quan

Vốn dĩ có tiền sử bệnh tim mạch và khớp từ nhỏ nên sức khỏe của Minh Vượng luôn trong tình trạng SOS. Minh Vượng kể, thời con gái chị cũng “thon thả giọt đàn bầu” như ai. Lúc đó chị chỉ nặng có 43kg, đi lúc nào cũng như “bay trong gió”. Thế rồi đùng một phát chị cảm thấy sức khỏe có vấn đề và đi khám thì mới phát hiện ra một đống bệnh. Từ tim mạch, huyết áp, mỡ máu... dẫn đến thấp khớp. Chạy chữa thuốc thang tẩm bổ để trị dứt bệnh, Minh Vượng lại sinh ra bệnh béo phì. Mới đầu, khi mang trên mình một thân hình “phì nhiêu”, ngoại cỡ... (từ của Minh Vượng) chị cũng cảm thấy rất buồn. Chị đã nỗ lực tập luyện thể dục thể thao nhưng không cải thiện được là mấy mà bệnh khớp lại có nguy cơ tái phát. Từ đó, Minh Vượng sống chung bệnh bằng nghị lực sống của riêng mình.

Minh Vượng kể, vì cái thân hình phốp pháp này mà nhiều khi chị trở thành nạn nhân của chính chị trong đời thường. Đi dự đám tang, chị càng nghiêm trang người ta lại càng cười nhiều hơn khi nhớ đến chị trên sân khấu. Bước vào bệnh viện thăm người ốm, trong không gian đang yên tĩnh thì tiếng cười “túa” ra. Hóa ra vì người ta nhìn thấy chị cứ “hài hài sao đó”.

“Căn bệnh tim và khớp quái ác khiến số thuốc tôi uống còn nhiều hơn số cân nặng của cơ thể. Nhiều hôm uống thuốc xong no không ăn được cơm luôn”, Minh Vượng hài hước.

Về tình trạng sức khỏe ở thời điểm hiện tại, Minh Vượng cho biết chị vẫn đang bị tiểu đường, áp huyết, tim mạch... Mỗi ngày chị vẫn phải tiêm tới 4 mũi kháng sinh liều cao và uống hàng mớ thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh tật nặng nề thế nhưng chưa bao giờ thấy Minh Vượng than thở nhăn nhó, lúc nào cũng hớn hở tươi vui. Đã thế, tình yêu dành cho sân khấu trong Minh Vượng chưa bao giờ giảm nhiệt. Chị vẫn sống, cống hiến hết mình vì khán giả. Mỗi dịp Tết, hè, đặc biệt là Quốc tế Thiếu nhi hay Rằm Trung thu, Minh Vượng vẫn đều đặn xuất hiện trong các vở diễn đầy ắp tiếng cười dành cho trẻ thơ.

Điều khiến chị có thể vượt lên bạo bệnh để làm một lúc nhiều công việc như thế là bởi chị luôn sống lạc quan, biết tận dụng mọi niềm vui quanh mình để biến thành “thuốc tiên” chữa bệnh. Với Minh Vượng, việc chữa bệnh không đơn thuần là tuân thủ một cách nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sỹ mà còn phải có một nghị lực sống. Nghị lực đó giúp người bệnh sống lạc quan, ít lo nghĩ và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

“Dù thiên hạ có bệnh gì tôi mang bệnh nấy nhưng cứ đi làm, đi diễn, được tung tăng... tôi lại khỏe. Có được điều đó một phần vì tôi luôn lạc quan sống. Và cũng chính vì không có gia đình mà tôi không bị vướng bận những thứ lo nghĩ linh tinh của một người phụ nữ nội trợ. Tôi toàn tâm toàn ý cho học trò của mình dễ hơn, sáng tác kịch thuận hơn”, Minh Vượng hài hước nói.

Minh Vượng trị bạo bệnh bằng tiếng cười

Minh Vượng trên sân khấu phục vụ thiếu nhi Trung thu 2015.

Vì bệnh khớp mà lỡ dở tình duyên

Minh Vượng tiết lộ rằng, thời tuổi trẻ chị đã yêu rất nhiều. Mối tình nào đi qua cũng để lại trong chị những xúc cảm sâu sắc. Tuy nhiên, cũng vì bệnh khớp và bệnh tim mà chị đã không lấy chồng. Chị sợ bệnh tật sẽ khiến cho cuộc sống hôn nhân của chị không êm đềm và bằng phẳng. Chị sợ bệnh tật của chị sẽ là gánh nặng của chồng. Và nỗi sợ lớn lao hơn cả đó là chị sợ bệnh tật sẽ khiến chị không thể nào sinh con được... Nỗi sợ hãi ấy cứ ám ảnh chị khiến chị lỡ dở đường tình cho đến tận hôm nay.

Nhưng cũng nhờ những cuộc tình đã qua mà chị có được những trải nghiệm và xúc cảm để hóa thân thành những vai người tình, vai bà vợ, bà mẹ... trên sân khấu và thấy tuổi trẻ của mình đáng nhớ. Nó giúp chị không cảm thấy chạnh lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện chồng con.

Nữ danh hài cũng thật lòng tâm sự rằng, nếu mai này chị không còn sức để hoạt động nghệ thuật thì chị sẽ vào trại dưỡng lão. Vào trại dưỡng lão chỉ cần diễn cho một người xem thôi chị cũng cảm thấy vui rồi.

Minh Vượng kể, cuộc đời chị thăng trầm sóng gió đều đã đủ. Cũng đã từng có lúc chị nghĩ tới việc kiếm một đứa con nuôi để đỡ đần khi về già. Người thân trong gia đình cũng từng giục chị không ít lần về chuyện đó nhưng rồi chị lại thôi. Chị bảo rằng, xin được con không khó nhưng nuôi con không phải dễ. Trong khi bản thân chị đang mang rất nhiều bệnh tật, còn chưa thể chăm sóc nổi bản thân thì liệu việc nuôi một đứa con có lo hết được cho con mọi thứ. Vì lẽ đó, với Minh Vượng, công việc, sân khấu, khán giả... cũng tựa như một điểm tựa tinh thần. Đó là nơi chị tìm thấy niềm vui và trao gửi nỗi buồn. Là “vị bác sĩ” không rõ mặt nhưng lại chữa bệnh cho chị hiệu quả hơn tất thảy bác sĩ trên đời.

Hà Tùng Long

 


Ý kiến của bạn