Miệt mài với “tai biến” thiên nhiên, quên “tai biến” của bản thân

29-12-2018 22:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - GS.TS. Nguyễn Trọng Yêm vốn là nhà nghiên cứu địa chất hàng đầu nước ta về các đứt gãy địa chất và tai biến môi trường tự nhiên (TBTN).

Thời còn là Viện trưởng Viện Các khoa học về trái đất, ông đã chủ trì các chương trình KHCN cấp Nhà nước về sự thành tạo khe nứt hiện đại trên lãnh thổ Việt Nam; Xây dựng bản đồ phân vùng TBTN ở một số vùng nguy hiểm miền núi phía Bắc, kiến nghị các giải pháp phòng tránh... Miệt mài với tai biến thiên nhiên, dường như ông quên các “tai biến” bệnh tật của bản thân.

Từ năm 1970, GS.TS. Nguyễn Trọng Yêm công tác tại Ủy ban KHKT Nhà nước, sau đó là Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHCNVN). Những thập niên cuối của thế kỷ trước, ông là Chủ nhiệm các Chương trình KHCN cấp Nhà nước về kiến tạo trẻ, đứt gãy hiện đại và các TBTN đã mang lại kết quả khoa học và thực tiễn lớn, được triển khai rộng rãi trên cả nước. Ông còn chủ trì việc điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội 9 tỉnh miền núi phía Bắc làm cơ sở khoa học xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Ngoài việc đặt nền móng cho sự phát triển một lĩnh vực nghiên cứu mới ở Việt Nam - các tai biến địa chất, kết quả của các chương trình mà ông đã tiến hành làm cơ sở định hướng cho việc quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Các kết quả khoa học đó còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, được các thế hệ học trò của ông không ngừng phát triển, đem lại vị thế xứng đáng cho nơi ông từng làm việc nhiều năm trong vai trò Viện trưởng, đó là Viện Địa chất Việt Nam.

GS. Nguyễn Trọng Yêm hôm nay vui vẻ, khỏe mạnh ở tuổi ngoại 80.

GS. Nguyễn Trọng Yêm hôm nay vui vẻ, khỏe mạnh ở tuổi ngoại 80.

Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta, với quy mô ngày càng lớn thì việc quan trọng đầu tiên phải tính đến là công trình đặt trên nền địa chất thế nào và những TBTN có thể tác động đến công trình. Nhưng thực tế ở nhiều nơi, nhiều trường hợp, chủ đầu tư công trình chưa thực sự chú trọng đến điều đó đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Chẳng hạn, đập thủy điện Thác Bà (Yên Bái) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước trên vị trí đứt gãy sông Chảy (hệ đứt gãy sông Hồng - sông Chảy), do nghiên cứu địa chất không kỹ nên sau khi xây dựng xong bị ảnh hưởng chất lượng công trình, phải gia cố, xử lý rất tốn kém. Ở Chí Linh (Hải Dương) có một số công trình xây xong là nứt không rõ nguyên nhân, sau đó, các nhà khoa học mới phát hiện do hiện tượng nứt đất đã phải tính toán, xử lý lại nền móng chắc chắn hơn. Ðoạn đường giao thông Km8-QL 4E chạy qua xã Trung Trải, huyện Sa Pa (Lào Cai) trước năm 2006, mỗi năm lại bị lún 30 - 50cm, cứ đắp đất lại bị tụt lún, nhiều người cho là “dốc ma”. Kiểm tra kỹ đã phát hiện thực chất đây là đoạn đường nằm trên một khối trượt khá lớn, các nhà khoa học kiến nghị nên làm cây cầu cạn vượt qua khối trượt đó. Sau này, tại các huyện Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) khi xây dựng khu trung tâm hành chính, các nhà khoa học cũng được mời tham gia đánh giá nguy cơ trượt lở, xử lý đất nền để bảo đảm công trình an toàn...

Để có sự phòng ngừa và dự báo được những tai biến địa chất ở từng địa phương, trước hết, cần phải có một bộ bản đồ phân vùng TBTN trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ các nghiên cứu của Viện Địa chất, lần đầu tiên nước ta có một atlas phân vùng TBTN gồm những tập bản đồ cho 10 loại hình TBTN quan trọng: bão, hạn hán, lũ lụt, trượt-lở, lũ quét-lũ bùn đá, xói lở bờ sông, xói lở-bồi tụ bờ biển, nứt đất, động đất và TBTN các hệ sinh thái. Những bản đồ TBTN tổng hợp (bản đồ nguy cơ TBTN, bản đồ phân vùng TBTN và bản đồ khuyến nghị sử dụng hợp lý lãnh thổ phòng chống, giảm nhẹ TBTN) trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ trong tỷ lệ 1:3.000.000 và 1:1.000.000. Đây là bức tranh tổng quát cần thiết về TBTN, làm cơ sở để quản lý TBTN trên tầm vĩ mô, phục vụ việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội - môi trường; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bố dân cư; quản lý phòng chống thiệt hại do thiên nhiên gây ra... Trong công trình đồ sộ này, GS. Nguyễn Trọng Yêm và các cộng sự đã ứng dụng và phát triển một cách có hệ thống phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đánh giá TBTN nói chung và phương pháp xây dựng các bản đồ TBTN nói riêng ở 2 loại tỷ lệ nhỏ (cho toàn quốc) và tỷ lệ trung bình (cho một số khu vực trọng điểm). Khác với các nghiên cứu trước đây về thiên tai chủ yếu được diễn giải bằng lời văn, kết quả công trình nghiên cứu mới này được xây dựng theo hình thức bản đồ, cách thể hiện kết quả số liệu đo đạc dễ hiểu và hiệu quả. Mỗi loại thiên tai được thể hiện trong một chương riêng, trong đó những đặc trưng tổng hợp được phản ánh trong bản đồ 1:3.000.000; còn những đặc trưng quan trọng, riêng biệt được phản ánh trong các bản đồ, sơ đồ, biểu đồ... Những khái niệm, đặc điểm của mỗi thiên tai, giải pháp chủ yếu để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra được diễn tả ngắn gọn bằng lời. Ở nước ta, thiên tai nguy hiểm nhất là bão. Lâu nay vẫn dùng khái niệm tốc độ bão thì trên bản đồ đã thể hiện 5 cấp độ nguy cơ là: rất thấp, thấp, trung bình, cao, rất cao trên cơ sở tốc độ gió và lượng mưa 3 ngày trong bão. Chẳng hạn, đối với bão, được thể hiện trên một bản đồ cảnh báo nguy cơ với dấu hiệu tốc độ gió dưới 20m/s, lượng mưa dưới 50mm thì nguy cơ bão rất thấp, nhưng nếu tốc độ gió hơn 50m/s và lượng mưa hơn 200mm thì nguy cơ xảy ra bão rất cao. Phân vùng nguy cơ thiên tai bão cũng thống nhất các tiêu chí đánh giá để lột tả được nguy cơ các vùng, tiểu vùng với số cơn bão trung bình năm, các tháng có bão nhiều nhất, mực nước dâng lớn nhất khi bão xảy ra. Bên cạnh bản đồ về bão là các bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất, lũ quét - lũ bùn đá. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra khu vực nguy cơ rất cao về TBTN này, đó là: Sườn Đông dãy Hoàng Liên Sơn; Hữu ngạn sông Hồng gồm các huyện Bát Xát, Sa Pa, TP. Lào Cai; Lưu vực sông Nậm Lay thuộc huyện Mường Chà và lưu vực sông Nậm Rốm gồm một phần các huyện Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên Tây và TP. Ðiện Biên; Khu vực thượng nguồn sông Gấm thuộc huyện Yên Minh, các nhánh tả ngạn sông Chảy và hữu ngạn sông Lô thuộc các huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì (Hà Giang)... Từ những thông tin cần thiết trên bản đồ giúp các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan đưa ra giải pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống thiên tai, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bố dân cư, nhất là để quản lý, phòng, chống thiên tai, nghiên cứu dự báo, cảnh báo thời gian xuất hiện TBTN.

Với những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu về TBTN trên lãnh thổ Việt Nam, GS. Nguyễn Trọng Yêm và cộng sự đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN đối với Atlas Quốc gia và cá nhân giáo sư được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

GS.TS. Nguyễn Trọng Yêm có dáng vóc cao lớn, tác phong nhanh nhẹn, vốn được trời ban cho một sức khỏe tốt. Từ thời còn trẻ, du học ở Liên Xô (cũ) về nước, rất ít khi ông ngồi lâu trong văn phòng mà luôn đi thực địa nghiên cứu, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Hầu như không địa phương nào trên đất nước ta không có dấu chân ông. Ông thuộc làu địa hình, địa mạo nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng rồi đến một ngày nhà khoa học của chúng ta cũng không thể tránh được những trận ốm cản trở công việc. Nhẹ thì nhiễm cảm cúm, sốt virut, bệnh nặng hơn phải đi bệnh viện điều trị. Đôi khi còn bị cơn tai biến thoảng qua. Cũng cần nói thêm rằng, con đường làm khoa học của GS. Nguyễn Trọng Yêm không hề bằng phẳng, dễ dàng. Một thời kỳ khá dài có vị cấp trên trực tiếp không hiểu những nghiên cứu của ông và cộng sự dẫn tới việc 13 năm liền ông chỉ là “quyền” Viện trưởng Viện Các khoa học về trái đất (sau đổi là Viện Địa chất), rồi khi ông bỏ được chữ “quyền”, chính thức viện trưởng gần 10 năm nữa. Đấy cũng là thời kỳ Viện Địa chất đạt được nhiều thành quả nhất! Nhưng dù gặp những cản trở, trong công việc, ông là người luôn kiên định với mục tiêu đề ra ban đầu và có lối sống lạc quan, hòa đồng cùng mọi người. Có thể nói, nhiều năm qua, ông vượt qua bệnh tật bằng lòng yêu nghề và chính nghề địa chất “chân cứng đá mềm” ấy đã rèn cho ông một nền tảng thể lực dẻo dai, sung sức thích ứng được với nhiều địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt và luôn biết hóa giải những stress về tâm lý tác động vào cân não. Ngày nay, ở tuổi ngoài tám mươi, ông vẫn kiên trì tập luyện hàng ngày để có sức khỏe ổn định. Dẫu đã nghỉ hưu, ông vẫn không xa rời hẳn môi trường công việc trước đây, khi cần vẫn nhiệt tình tham gia vào các giám định TBTN; giúp học trò, đồng nghiệp giải quyết vấn đề chuyên môn hoặc có mặt trong hội đồng chấm luận án tiến sĩ, thạc sĩ... Có người đã nói vui về phong cách sống, làm việc của ông: Miệt mài với nghiên cứu về tai biến thiên nhiên mà quên “tai biến” của bản thân!


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn