Hà Nội

Miệt mài nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam

06-05-2017 07:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ra đời vào 1/6/2000, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam với trên 50 thành viên gồm những người hoạt động trong giới văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc.

Ra đời vào 1/6/2000, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam với trên 50 thành viên gồm những người hoạt động trong giới văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc. Tổ chức của Trung tâm có Hội đồng khoa học, các ban chuyên môn: Sân khấu, Mỹ thuật, Điện ảnh, Văn hóa học, Văn hóa Nông thôn...

Kể từ khi thành lập, Trung tâm chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hội thảo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc văn hóa dân tộc thu hút hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu tên tuổi như: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, GS. Đặng Vũ Minh, AHLĐ Vũ Khiêu, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, PGS.TS. Hồng Vinh... Nhiều năm qua Trung tâm đã thực hiện hàng loạt hội thảo được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao như: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi; Văn hóa dân tộc ở làng nghề Việt Nam; Báo chí với Văn hóa dân tộc; Văn hiến Hà Nam truyền thống và hiện đại; Tố Hữu với văn hóa dân tộc; Bác Hồ với thơ Đường luật; 100 năm nghệ thuật cải lương. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức thành công hội thảo khoa học Chữ Quốc ngữ ở Bình Định hoặc phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện thành công Dự án Sân khấu học đường ở một số tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Hà Nội và Phú Thọ.Nhóm xẩm Hà Thành (Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) với nhiều nghệ sĩ trẻ đam mê, gìn giữ âm nhạc dân tộc.

Nhóm xẩm Hà Thành (Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) với nhiều nghệ sĩ trẻ đam mê, gìn giữ âm nhạc dân tộc.

Nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa giao thông lan tỏa trong nhân dân, Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa giao thông, đưa Đề án Văn hóa giao thông vào cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật để từ đó góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả nước. Không những thế, Trung tâm liên tục tổ chức tọa đàm trên sóng phát thanh truyền hình về văn hóa giao thông, được trình chiếu nhiều tiểu phẩm hài về văn hóa giao thông trên kênh ANTV, VOV, VTC, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình TTX. Nhiều năm qua, Trung tâm cũng phát động phong trào Thiếu nhi vẽ về văn hóa giao thông, hàng trăm bức ảnh về văn hóa giao thông đã được triển lãm ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và đông đảo người xem đánh giá cao, nội dung về văn hóa giao thông đạt kết quả tốt, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Hàng năm, Trung tâm đều chỉ đạo Hội Thơ Đường Việt Nam tổ chức Ngày hội Thơ tại Phú Thọ, Bắc Ninh, Đà Nẵng, qua đó kết nối  hàng ngàn hội viên ở các chi hội trong toàn quốc về dự, tạo thành phong trào sáng tác thơ Đường luật mang nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi đất nước và con người Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng. Trung tâm tiếp tục tiến hành phối hợp với các địa phương tổ chức các hội thảo về văn hóa nghệ thuật của địa phương cũng như cả nước. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan Tuồng không chuyên và Dự án Sân khấu học đường tại một số tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên.

Để thực hiện thành công những công việc trên, Trung tâm lại tiếp tục quy tụ tổ chức đội ngũ cộng tác viên văn nghệ sĩ trí thức, phát huy tinh thần đổi mới, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, không ngừng sáng tạo, vượt qua khó khăn để hoạt động có hiệu quả cao, xứng đáng là con chim đầu đàn ở Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.


GS. Hoàng Chương (TGĐ Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam)
Ý kiến của bạn