Một nghiên cứu đánh giá về tình trạng vi khuẩn trên các miếng bọt biển rửa chén đĩa trong nhà bếp bằng phương pháp quét DNA, các chuyên gia tìm thấy một loạt vi khuẩn có trong các miếng bọt biển này. Trong đó chủng vi khuẩn được thấy nhiều có thể kể đến như Gammaproteobacteria, Pseudomonadales, và Flavobacteriales. Những chủng vi khuẩn này thường không lây nhiễm mạnh và nguy hiểm như Salmonella hay E.Coli, song chúng có khả năng gây tổn thương hệ miễn dịch ở những người có nguy cơ.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, căn bếp là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất nếu so sánh với các căn phòng khác trong ngôi nhà. Và trong căn bếp, miếng bọt biển rửa chén đĩa là nơi thuận tiện nhất để vi khuẩn sinh sản.
Đáng nói là, việc nỗ lực làm sạch miếng bọt biển cũng không mang tới nhiều hiệu quả, vì các miếng bọt biển thường xốp và ẩm ướt, tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Nên thay miếng bọt biển rửa chén đĩa thường xuyên, khoảng tuần một lần
Nhiều bà nội trợ cho rằng, dùng nước sôi hay cho vào lò vi sóng để làm sạch thì sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nó không có tác dụng gì trong việc tiêu diệt vi khuẩn trong miếng bọt biển.
Một điều ngạc nhiên mà nghiên cứu tìm ra những miếng bọt biển được vệ sinh thường xuyên (theo cách mà người sử dụng tự vệ sinh) dường như có lượng vi khuẩn không ít hơn so với những miếng bọt biển không được vệ sinh thường xuyên. Thậm chí, một số miếng bọt biển dù được vệ sinh thường xuyên còn nhận thấy sự gia tăng vi khuẩn ở mức nhất định.
Các chuyên gia lý giải trường hợp làm sạch miếng bọt biển bằng nước sôi hay lò vi sóng không mang đến tác dụng là do một số vi khuẩn cứng đầu vẫn sót lại sau quá trình này và rất nhanh sau đó tái tạo – phát triển trở lại. Nếu các vi khuẩn như salmonella xuất hiện trên miếng bọt biển, khả năng lây truyền bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Căn bếp là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất nếu so sánh với các căn phòng khác trong ngôi nhà.
Bên cạnh đó, việc các miếng bọt biển có cấu tạo mạng lưới sợi mang đến điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn tồn tại. Đôi khi, bạn sử dụng miếng bọt biển để lau những bề mặt rơi vãi thịt sống mà không sử dụng chất tẩy rửa, và điều này cũng có thể trở thành một nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và gây lây nhiễm.
Lời khuyên đưa ra từ các chuyên gia là bạn nên thay miếng bọt biển rửa chén đĩa khoảng 1 tuần một lần để đảm bảo cho sức khoẻ bản thân. Việc sử dụng chất tẩy rửa hay giấm với mục đích làm sạch cũng có thể có tác dụng, song cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào đánh giá về khả năng này.