Miếng dán xăm môi siêu tốc: Đẹp nhưng độc!

05-12-2011 22:45 | Thời sự
google news

Để thể hiện phong cách chơi “trội” và không “đụng hàng”, nhiều bạn trẻ hiện nay chọn miếng dán xăm môi như một cách để thể hiện cá tính. Với nhiều màu sắc bắt mắt, nhiều kiểu độc, lại dễ sử dụng, những miếng dán xăm môi siêu tốc này bán khá chạy.

Để thể hiện phong cách chơi “trội” và không “đụng hàng”, nhiều bạn trẻ hiện nay chọn miếng dán xăm môi như một cách để thể hiện cá tính. Với nhiều màu sắc bắt mắt, nhiều kiểu độc, lại dễ sử dụng, những miếng dán xăm môi siêu tốc này bán khá chạy. Tuy nhiên không ít người sử dụng miếng dán xăm môi này phải nhập viện để điều trị do dị ứng.

Sự sành điệu nguy hiểm

Phương L., sinh viên năm thứ 3 Đại học Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng và ngượng ngùng khi kể lại sự cố mà mình gặp phải khi sử dụng miếng dán “xăm môi siêu tốc”. L. kể lại: “Mấy cô bạn cùng phòng trong ký túc xá rủ cô đi mua miếng xăm môi để thay đổi phong cách. Theo các bạn cô, miếng dán xăm môi này vừa rẻ vừa tiện lợi lại có nhiều hình lạ, đỡ phải dùng son lại dễ xóa bỏ không để lại dấu vết”. Tò mò, L. cùng các bạn lên internet lùng đặt mua loại miếng dán xăm môi này về sử dụng. Theo lời L. kể, thì những ngày đầu tiên sử dụng không thấy vấn đề gì. Tuy nhiên đến ngày thứ 6 với việc sử dụng miếng dán xăm môi có hình da báo thì L. cảm thấy môi ngứa kinh khủng, cô vội lấy nước tẩy để xóa, nhưng càng xóa thì vùng môi càng mẩn đỏ và ngứa dữ dội. L. vội đến khoa da liễu với đôi môi sưng vù.
 
 Miếng xăm môi được rao bán tràn lan trên mạng.
Các bác sĩ ở đây kết luận, “cô bị dị ứng với hóa chất có trong miếng dán xăm môi”. Cùng chung nỗi khổ như L. là H., sinh viên năm thứ nhất, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. H. cho biết: Vì tò mò cô cùng một số bạn mua miếng dán xăm môi của một người bán dạo gần cổng trường. Chỉ mất 15.000 đồng cô đã có miếng dán xăm môi hình ô cờ đỏ đen độc đáo. Sử dụng rất dễ, chỉ việc bóc lớp nilông phía sau rồi dán phần có khối hình lên môi. Đợi 5 phút bóc tiếp lớp nilông phía ngoài là có một hình xăm theo ý muốn. Chỉ có điều, sau khi bóc miếng xăm một lúc thì H. có cảm giác người nôn nao vì mùi mực in trên miếng dán, vùng môi có cảm giác ngứa. Cô vội lấy nước để tẩy. Tuy nhiên cũng phải mất mấy ngày thì vùng môi mới hết ngứa.

Tại Phòng khám da liễu Bệnh viện Da liễu Hà Nội, theo các bác sĩ ở đây thì trong thời gian qua bệnh viện tiếp nhận điều trị cho không ít trường hợp bị dị ứng do dùng các miếng dán xăm mình và miếng dán xăm môi gây ra. Phần lớn người đến điều trị dị ứng có liên quan đến việc sử dụng miếng dán xăm mình nói chung và miếng dán xăm môi nói riêng là các cô cậu “choai choai”, sinh viên. Ghi nhận chung ở những trường hợp này là vùng môi sử dụng miếng dán xăm đều sưng tấy đỏ, ngứa. Có trường hợp bị dị ứng nặng thì toàn bộ vùng môi bị tấy đỏ, bong tróc da, lở loét…

 Những miếng dán xăm môi được bán tràn lan trên thị trường có thể gây dị ứng nặng do hóa chất.

Người có cơ địa dị ứng, nguy cơ càng lớn

Ngày 5/12, theo lời một bác sĩ tại Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai, xung quanh việc sử dụng các miếng dán xăm “nghi” gây ra các triệu chứng dị ứng ở người sử dụng, chúng tôi được biết: “Việc người sử dụng miếng dán xăm môi bị dị ứng nhiều khả năng bị dị ứng do hóa chất có trong mực in của miếng dán gây ra. Tuy nhiên để có kết luận chính xác và tìm  ra đúng nguyên nhân gây dị ứng thì người sử dụng cần đến khám tại các chuyên khoa da liễu”.

Bổ sung thêm ý kiến trên, TS. Nguyễn Hữu Sáu, Bộ môn Da liễu, Trường đại học Y Hà Nội khuyến cáo, hiện nay có một bộ phận giới trẻ coi việc sở hữu các hình xăm để ra “oai” là rất nhiều. Vì vậy, các bạn trẻ cần thận trọng bởi việc xăm hình dù xăm bằng kim hay miếng dán thì nguy cơ bị dị ứng do hóa chất có trong mực in là như nhau. Điều này sẽ nguy hiểm với người có cơ địa dị ứng hóa chất lạ. Đặc biệt môi là vùng có lớp da rất nhạy cảm với hóa chất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, miếng dán xăm môi có chứa một loại mực đặc biệt có khả năng tạo độ bóng, thậm chí phát quang. Theo một thợ xăm có thâm niêm trong nghề cho biết: “Đó là loại mực UV, tự bản thân nó chứa những chất có thể gây dị ứng da, nếu dùng thường xuyên làm tăng nguy cơ gây kích ứng da, làm phòng rộp những phần da nhạy cảm do mực chứa chất hyaluronic acid”. Những hình xăm này bày bán tràn lan tại các chợ đêm sinh viên. Điều đáng báo động là giới trẻ hiện nay coi việc dán hình xăm môi như một mốt mới, lập cả những trang web riêng để quảng bá rộng rãi hình ảnh, hướng dẫn tỉ mỉ về cách sử dụng thú chơi nguy hiểm cho sức khỏe này.

Văn Hậu


Ý kiến của bạn