Miếng dán vắc-xin ngăn ngừa cúm

05-07-2017 12:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thành công miếng dán vắc-xin thẩm thấu có thể thay thế biện pháp sử dụng kim tiêm trong tiêm chủng cúm truyền thống. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí The Lancet.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu với 100 người trong độ tuổi từ 18 - 49 để so sánh hiệu quả việc tiêm vắc-xin truyền thống với sử dụng miếng dán vắc-xin. Những người này được chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 được chủng ngừa theo cách tiêm vắc-xin vào tay theo truyền thống, 3 nhóm còn lại được dán miếng dán vào cổ tay trong vòng 20 phút. Trong 3 nhóm này, 1 nhóm dùng miếng dán giả dược, 2 nhóm dùng vắc-xin cúm. Trong 180 ngày, những người tham gia đều được theo dõi để ghi nhận những phản ứng bất lợi và đo lường mức kháng thể. Kết quả cho thấy: Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Cả hai cách tiêm chủng đều gây căng thẳng ở bệnh nhân nhưng 96% số người sử dụng miếng dán cho rằng kỹ thuật này không gây đau đớn. Các nhà khoa học cho biết cả hai biện pháp tiêm chủng truyền thống và miếng dán vắc-xin đều có tác dụng phòng ngừa như nhau.

Miếng dán vắc-xin ngăn ngừa cúm

Theo đồng tác giả nghiên cứu Nadine Rouphael - Phó Giáo sư Y khoa tại Đại học Y Emorry, Atlanta, George, Mỹ: Miếng dán này có kích thước như một đồng xu được gắn 100 chiếc kim cực nhỏ có chiều cao chưa đến 1mm chứa sẵn vắc-xin. Khi dán lên da, những chiếc kim này đưa lượng vắc-xin thẩm thấu qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn, chảy máu. Ngoài ra, với miếng dán vắc-xin này, lượng vắc-xin phải sử dụng ít hơn, không gây đau đớn, do đó đặc biệt phù hợp với những người sợ kim tiêm”. Tác giả chính của nghiên cứu - Mark Prausnitz - Giáo sư về kỹ thuật hóa học và y sinh học tại Học viện Công nghệ Georgia: “Miếng dán sử dụng một loại vắc-xin được làm khô nên không phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh, chỉ cần để ở nơi khô thoáng với nhiệt độ 40 độ C trong 1 năm. Để sử dụng miếng dán này, người dùng sẽ đặt nó ở sau cổ tay và ấn xuống bằng ngón tay cái, khi nghe tiếng “tách” là miếng dán đã được dán chính xác. 20 phút sau, các chất hòa tan và vắc-xin được phóng thích vào cơ thể, miếng dán có thể được lấy ra và bỏ đi. Vì miếng dán vắc-xin dễ sử dụng nên giúp người dùng tự dán không phải đến cơ sở y tế, điều này hữu ích trong trường hợp xảy ra đại dịch bệnh ở những nơi vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận với các cơ sở y tế”.


Q.T (Theo LS, 6/2017)
Ý kiến của bạn