Hà Nội

Miền Trung thiệt hại nặng trong mưa lũ

19-10-2021 13:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo thống kê đến chiều 18/10, mưa ở Quảng Bình đã tạm ngưng, để lại hậu quả nặng nề khi có 4 người chết và mất tích. Thiệt hại do mưa lũ cũng đã khiến ba người chết (Nghệ An 2, Hòa Bình 1), hàng ngàn hộ gia đình ở miền Trung ngập trong nước lũ.

Cuộc sống ở nơi "đường biến thành sông", ghe thuyền làm phương tiện đi lạiCuộc sống ở nơi 'đường biến thành sông', ghe thuyền làm phương tiện đi lại

SKĐS - Mỗi mùa lũ lụt, người dân vùng "rốn lũ" ở Thừa Thiên Huế dường như đã quá quen với việc bị nước lũ ngâm nhiều ngày. Do đó, họ luôn chủ động kê cao đồ đạc, sẵn sàng lương thực và mua sắm cả ghe, thuyền để làm phương tiện đi lại.

Nhiều người chết, mất tích

Do mưa lớn và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ nên xuất hiện một đợt lũ diện rộng.

Theo báo cáo lúc 18 giờ ngày 18/10 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện đang có hàng ngàn hộ gia đình ở miền Trung ngập trong nước lũ. 

Cụ thể, ở Quảng Bình có 30 xã/2.232 hộ bị ngập. Trong đó huyện Lệ Thủy có 20 xã/1.683 hộ; Quảng Ninh sáu xã/275 hộ; Bố Trạch bốn xã/274 hộ ngập 0,2-1,2 m.

Tại Quảng Trị có 15 xã bị ngập 0,5-2 m. Thừa Thiên - Huế ngập sáu xã khu vực ven sông Bồ, sông Ô Lâu thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền. Đà Nẵng ngập ba xã ven sông Yên, huyện Hòa Vang. Gần 20.000 học sinh của 50 trường học ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong phải nghỉ học vì ảnh hưởng mưa lũ và mất điện. Một người bị lũ cuốn mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà ở TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Đakrông bị ngập.

Miền Trung thiệt hại nặng trong mưa lũ - Ảnh 1.

Một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi nước lũ tràn qua đường giao thông tại Quảng Bình.

Thiệt hại do mưa lũ đã khiến ba người chết (Nghệ An 2, Hòa Bình 1) và ba người mất tích (Quảng Bình 2, Quảng Trị 1). Về giao thông, có 76 vị trí sạt lở đường giao thông địa phương (Huế 6, Quảng Nam 31, Nghệ An 33, Quảng Bình 6). Ngoài ra còn có 36 điểm đường quốc lộ và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh dọc các tỉnh Trung Trung bộ, Đắk Lắk bị ngập sâu. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố. Tính đến chiều tối 18-10, quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam và đường Hồ Chí Minh đã thông xe.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại hơn 2.000 ha lúa và 378 ha hoa màu, cây cảnh các loại bị ngập, cuốn trôi, 19 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại, 65 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại một phần.

Ở Hà Tĩnh, mưa lớn nhiều ngày cộng với việc các hồ đập, thủy điện xả tràn để đón lũ đã gây ngập lụt cục bộ, sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt tại nhiều huyện, thị xã. Vùng núi sát tuyến đường Thạch Khê - Vũng Áng sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc hoàn toàn. Một người dân của thị xã Kỳ Anh mất tích khi đang đánh bắt cá tại lòng hồ Sông Rác. Nhiều phường tại thị xã này bị ngập sâu, 153 hộ dân với 441 nhân khẩu tại phường Kỳ Thịnh phải sơ tán tránh lũ.

Phòng ngừa dịch bệnh sau lũ

Theo các chuyên gia, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Theo các chuyên gia thiên tai thường đi kèm với dịch bệnh, khi lũ xảy ra thì các điều kiện vệ sinh bị kém, thiếu nước sạch, môi trường bị ô nhiễm, xác động vật chết... Do đó, người dân cần tiến hành một số biện pháp dọn vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh ngay khi nước lũ rút:

- Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh nhà; Cần khơi thông cống rãnh vũng nước ứa đọng, thu dọn bùn đất phù sa ra khỏi sân vườn.

- Rửa sạch nồi, niêu, bát đũa phơi nắng; Giặt giũ quần áo chăn màn.

- Gom rác thải, cây cối gẫy đổ, nếu có xác chết động vật cần mang đi chôn lấp ở vị chí tránh xa nguồn nước như (ao, sông, suối, hồ…); Làm sạch sẽ khu vực nhà vệ sinh, tránh ruồi muỗi côn trùng làm tổ.

- Xử lý sạch sẽ nguồn nước dùng sinh hoạt bằng Cloramin B và đun sôi trước khi uống.

- Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, nhất là nguy cơ của dịch COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.

Miền Trung thiệt hại nặng trong mưa lũ - Ảnh 3.

Hàng loạt điểm sạt lở đất xuất hiện khiến nhiều tuyến đường của tỉnh Quảng Nam bị ách tắc, tê liệt.

- Các bệnh về mắt thường gặp: Ðau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Cách phòng bệnh: Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; không dùng chung khăn mặt và chậu với người bị đau mắt đỏ. Chú ý diệt ruồi, vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

- Các bệnh ngoài da thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Cách phòng bệnh: Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn, không mặc áo quần ẩm ướt, không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập bẩn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Truyền thông về xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ trên Báo Sức khỏe và Đời sống


Minh Thu
Ý kiến của bạn