Khu dân cư lo sạt lở
Sau cơn bão số 12, các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa gánh chịu nhiều thiệt hại. Hàng trăm căn nhà hư hỏng, nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập sâu. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các tỉnh này chỉ đạo thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh. Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Rà soát, bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn (Bình Định); Nha Trang (Khánh Hòa); Tuy Hòa (Phú Yên) và các xã ven biển và đảo; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các tuyến đường ven biển.
Mưa lớn khi bão vào đất liền, các tỉnh Nam Trung Bộ tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi lũ lớn xảy ra; lực lượng xung kích phải có mặt tại các nơi xung yếu 24/24h, bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố.
Tại Khánh Hòa hơn 80 khu vực có khả năng sạt lở đất đá, lũ quét, có thể gây chết người. Tập trung nhiều ở phường Vĩnh Hòa; Phương Sài; Ngọc Hiệp; Vĩnh Nguyên và xã Phước Đồng; Vĩnh Trường (TP. Nha Trang).
Lo lắng như càng dâng lên khi ở nhiều khu dân cư trên đầu họ là những quả núi, dãy núi bị băm vằm nham nhở bởi các dự án. Ngay trên khu có nguy cơ sạt lở Thành Phát-Thành Đạt (Phước Đồng, Nha Trang) nhiều ngày nay, xe múc liên tục san ủi núi làm dự án, đất cát vương vãi khắp nơi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.
Bão số 12 đã gây nhiều ảnh hưởng đến người dân.
Cẩn trọng khi xả lũ
Sau bão số 12, tỉnh Phú Yên có nhiều vùng ngập sâu, người dân vừa gượng dậy sau lũ lại phải tiếp tục đối phó với bão 13 đang vào biển Đông.
Tỉnh Phú Yên ra chỉ đạo phải vận hành xả lũ an toàn, không gây ngập lụt nhân tạo khiến dân điêu đứng. Bên cạnh đó, hàng hóa, thuốc men phải điều động đến nơi ngập lụt để bảo đảm đời sống cho người dân. Các huyện như Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa phải cảnh báo đến người dân và có phương án chủ động sơ tán đến nơi an toàn khi xả lũ, không để xảy ra các tai nạn đau thương.
Để bảo đảm đời sống và tính mạng cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu triển khai ngay phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven các chân núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất (đặc biệt, khu vực chân núi Bà Hỏa, chân núi Vũng Chua, Quy Nhơn); phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là 15 hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng. Vận hành điều tiết liên hồ chứa, các hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du; tháo dỡ vật cản, các mảng bèo lớn trên sông, trục tiêu và tại các công trình trên sông (cầu, cống, đập dâng...); bảo đảm an toàn đê kè sông, đê kè biển.