Miền Trung có tái diễn lũ lịch sử năm 2020 khi bão số 4 đổ bộ?

18-09-2024 17:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, mưa lớn sẽ tập trung trong hai ngày 18 và 19/9 ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, với tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 600mm.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường do mưa bãoBộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường do mưa bão

SKĐS - Ngày 12/9/2024, Bộ Y tế đã có văn bản số 5400/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.

Bão số 4 gây mưa rất to cho Trung Bộ

Chiều 18/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn quốc gia cho biết, vào 13h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 350km về phía Đông. Trong mấy tiếng qua, tốc độ di chuyển của áp thấp nhiệt đới chậm hơn, từ 20km giảm còn 5-10km.

Qua theo dõi, đến nay các mô hình dự báo trong nước và quốc tế đều nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão (số 4) vào sáng mai (19/9), với cường độ cấp 8, giật cấp 10. Do tác động của áp thấp nhiệt đới, theo ông Khiêm, ở Trung Bộ có khả năng xuất hiện sóng lừng từ chiều nay, điều này có thể ảnh hưởng tới lồng bè và khu nuôi trồng thủy hải sản khu vực ven biển.

Miền Trung có tái diễn lũ lịch sử năm 2020 khi bão số 4 đổ bộ?- Ảnh 2.

Mưa lớn có thể gây ngập lụt nghiêm trọng khi bão số 3 đổ bộ vào miền Trung.

Đặc biệt, mưa lớn sẽ tập trung trong hai ngày 18 và 19/9 ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, với tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 600mm. Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh có mưa từ 150-300mm, có nơi trên 500mm. Tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa 70-150mm, có nơi trên 200mm.

"Vùng trũng, thấp, khu đô thị ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nguy cơ bị ngập lụt và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi khu vực này. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa từ 40-80mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ xảy ra ngập lụt đô thị ở các tỉnh phía Nam, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên", ông Khiêm nói.

Theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của mưa lớn, nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Đăk Nông và Lâm Đồng.

Ngoài ra, mưa lớn sẽ khiến các sông Thanh Hóa - Quảng Nam xuất hiện lũ với biên độ 3-7 m. Các sông ở Quảng Bình - Quảng Nam lên mức báo động 1, 2 và trên báo động 2. Riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 3.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều và tối nay, 18/9, các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi sẽ có thời gian tạm giảm mưa. "Đây không phải là hiện tượng giảm mưa khi tâm bão qua. Áp thấp nhiệt đới còn ở xa ngoài khu vực quần đảo Hoàng Sa, sáng mai mới tiến gần bờ và gây mưa to gió mạnh trở lại từ nửa đêm về sáng mai (19/9), đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Nam trở ra tới Nghệ An. Do vậy người dân cần hết sức cảnh giác, chuẩn bị các phương án ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản", ông Lâm nói.

Kịch bản ngập lụt năm 2020 có thể lặp lại?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, cơn bão số 4 sẽ hình thành ngay sát bờ nước ta. Áp thấp nhiệt đới đang di chuyển chậm lại sẽ tạo điều kiện được nạp năng lượng để mạnh lên nên sẽ còn khó đoán.

"Bão số 4 có cường độ không mạnh, chỉ giật đến cấp 10, song vấn đề lo ngại nhất bão gây mưa lớn, tập trung ở các tỉnh như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và một phần Quảng Ngãi; không ngoại trừ khả năng sẽ có đợt mưa tồi tệ xảy ra như trận lũ lụt ở miền Trung năm 2020", ông Hiệp nhận định.

Thứ trưởng Hiệp đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3; trong bão được phòng chống rất tốt, nhưng hoàn lưu sau bão gây ra thiệt hại rất lớn; tuyệt đối không được chủ quan. Các địa phương tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền phải vào bờ, đồng thời tập trung rà soát tình trạng ngập lụt, nhất là các đô thị ven biển tại các thành phố như Huế, Đà Nẵng và có phương án sơ tán dân.

"Hiện các hồ chứa ở khu vực miền Trung ở mức thấp. Nhưng sắp tới, các hồ sẽ hứng một đợt mưa lớn, do đó yêu cầu các hồ phải tuân thủ nghiêm quy định vận hành, không để xảy ra lũ chồng lũ, bởi đây là khu vực rất dễ bị chia cắt khi ngập lụt", ông Hiệp yêu cầu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 12 giờ qua, ở khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hương Sơn 125mm (Hà Tĩnh); Bạch Mã 229mm (Thừa Thiên Huế); Phước Chánh 168mm (Quảng Nam); Suối Đá 268mm, Suối Lương 264mm (Đà Nẵng); Trà Nham 158mm (Quảng Ngãi);...

Do ảnh hưởng của mưa lớn, các chuyên gia khí tượng nhận định, mô hình độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như sau: Các tỉnh thuộc Trung Bộ mưa từ 20-50mm, có nơi hơn 80mm, riêng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam mưa từ 40-90mm, có nơi hơn 150mm; Kon Tum từ 20-40mm, có nơi hơn 80mm.

Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn, tránh tình huống xấu có thể xảy ra.

Mùa mưa bão, người dân nên dự trữ loại thực phẩm nào để đảm bảo sức khỏe?Mùa mưa bão, người dân nên dự trữ loại thực phẩm nào để đảm bảo sức khỏe?

SKĐS - Khi tích trữ thực phẩm trong mùa mưa bão, người dân nên ưu tiên mua thực phẩm tươi, khô và nước uống có thời hạn bảo quản dài ngày cũng như cần bảo quản thực phẩm đúng cách.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bão Bebinca mạnh nhất trong 75 năm đổ bộ, Thượng Hải rơi vào tê liệt, dự báo mưa lớn gây lũ lụt|SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn