Miền Trung bước vào cao điểm mưa lớn, cảnh báo cao độ ngập lụt

12-10-2023 09:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ ngày 12/10 đến đêm 13/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa có nơi trên 300mm nên nguy cơ rất cao ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Thủ tướng: Sơ tán ngay các hộ dân ở nơi nguy hiểm, không để xảy ra chết người do mưa lũ tại miền TrungThủ tướng: Sơ tán ngay các hộ dân ở nơi nguy hiểm, không để xảy ra chết người do mưa lũ tại miền Trung

SKĐS - Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt...

Miền Trung bước vào cao điểm mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (12/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 11/10 đến 08h ngày 12/10 có nơi trên 100mm như: Phong Xuân (Thừa Thiên Huế) 170.4mm, Hội An (Quảng Nam) 108.6mm,…

Dự báo từ ngày 12/10 đến đêm 13/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi 50-100mm, có nơi trên 180mm; từ Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế 200-350mm, có nơi trên 450mm; Đà Nẵng và Quảng Nam 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Ngoài ra, ở khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận; Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Quan sát ảnh mây vệ tinh, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai dùng từ "mưa xối xả" cho miền Trung. Theo đó, cao điểm của đợt mưa lần này bắt đầu từ hôm nay đến 15/10, sau đó mưa vẫn duy trì và kéo dài tới khoảng ngày 20/10 hoặc lâu hơn. 

Miền Trung bước vào cao điểm mưa lớn, cảnh báo cao độ ngập lụt - Ảnh 2.

Miền Trung bước vào cao điểm mưa lớn kéo dài.

Mưa lớn tập trung từ Quảng Ngãi, lan dần ra tới Nghệ An. Lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/ ngày, có nơi mưa hơn 400mm/ ngày. Trong cơn mưa có thể có dông sét cục bộ với sức gió mạnh. Ban đầu mưa chủ yếu tập trung ở vùng ven biển sau lan dần lên núi. Diễn biến mưa kéo dài có thể làm đầy các hồ chứa nước, khi đó việc vận hành chống lũ sẽ khó khăn hơn.

Mưa lớn kéo dài, cơ quan khí tượng cũng phát đi tin cảnh báo lũ trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Hiện nay (12/10), mực nước trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) đang dao động trên mức báo động (BĐ)1; các sông khác từ Nghệ An đến Quảng Ngãi biến đổi chậm và còn dưới mức BĐ1. Mực nước lúc 07h/12/10 trên sông Bồ tại Phú Ốc 2,03m, trên BĐ1 0,53m.

Từ hôm nay (ngày 12/10) đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.

Chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại

TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, việc phòng chống lũ lụt ở cấp độ hộ gia đình và khu dân cư nên chia thành 2 giai đoạn là đánh giá và hành động. Để biết vùng mình ở có khả năng lũ lụt không, cần tìm hiểu các thông tin liên quan. Nếu trong quá khứ từng lụt cao và dự báo mưa dài ngày sắp tới thì nguy cơ lụt có thể xảy ra. Nếu lụt cao thì căn nhà, nơi ở của mình và các thành viên trong gia đình có an toàn hay không? Nếu không an toàn sẽ phải sơ tán trước lụt.

"Nếu phải sơ tán trước lụt thì sơ tán đi đâu và ai là người nên được ưu tiên trước? Lúc đó hãy quan sát những nhà hàng xóm gần nhất để đặt vấn đề nếu có lụt thì xin sang trú. Thông thường một căn nhà 2 tầng sẽ an toàn trong lụt. Đó là cách sơ tán tại chỗ ít tốn kém nhất. Hãy quan sát và quyết định đưa những đồ đạc nhỏ lên cao nhất có thể. Hãy sắp xếp những giấy tờ quan trọng như sổ đỏ, giấy đăng ký kết hôn, chứng nhận các kiểu, giấy vở và sách,.. để vào nơi an toàn. Chuẩn bị thực phẩm, nước uống, đèn pin, chất đốt... sẵn dùng trong 7 ngày", TS Nguyễn Ngọc Huy khuyên.

Khi nhận thấy nguy cơ ngập lụt rõ ràng thì chuyển sang giai đoạn hành động, thực hiện các biện pháp di dời như đã lên phương án trước đó, lưu ý cần quyết định sớm, không đợi nước lên rồi mới hành động.

Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 13/CĐ-QG về ứng phó với mưa lũ. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố nêu trên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Các địa phương kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Lên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũLên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũ

SKĐS - Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị cần xây dựng phương án và thực hiện có hiệu quả.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thừa Thiên Huế mưa lớn, nhiều nơi ngập lụt, hàng nghìn hộ dân mất điện | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn