PSG.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai cho hay: “Sau khi nhận được thông báo và đề nghị hỗ trợ từ BV Sản Nhi Bắc Ninh, BV Bạch Mai đã cử đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia các lĩnh vực sơ sinh, dị ứng miễn dịch, chống độc, dược lâm sàng… do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi của BV làm trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình. Sau đó, những trẻ nặng được chuyển lên BV Nhi Trung ương và về BV Bạch Mai.
Hiện có 3 trẻ có tình trạng nhiễm khuẩn nặng đang được điều trị tích cực tại BV Bạch Mai. Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực, thuốc men, máy móc trang thiết bị tạo điều kiện điều trị cao nhất cho các cháu. BV cũng miễn toàn bộ viện phí cho các trẻ này trích từ quỹ phúc lợi của BV”.
Lãnh đạo BV Bạch Mai và các bác sĩ điều trị thông tin tình hình 3 trẻ sơ sinh chuyển từ Bắc Ninh lên BV Bạch Mai điều trị.
Thông tin về tình hình các cháu, ThS.BS Nguyễn Thành Nam – Phụ trách khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, 3 bệnh nhi sơ sinh được chuyển đến khoa nhi vào ngày 20/11. Sau khi vào viện cả 3 cháu đều được tiếp nhận khẩn trương, điều trị tích cực theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường, các bác sĩ cũng tiến hành hội chẩn hàng ngày về tình trạng bệnh của trẻ.
Bé thứ nhất, vào viện ngày 11 sau sinh, con lần thứ nhất, đẻ mổ do suy thai với cân nặng 2800gam, xuất hiện suy hô hấp sau 1,5h. Bệnh nhi được cứu chữa tích cực, được chuyển lên BV Bạch Mai với chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh. Sau khi tiếp nhận vào viện trẻ được điều trị tích cực ngay từ đầu, thở máy, tiến hành xét nghiệm siêu âm tim, thóp. Các bác sĩ hội chẩn và nhận định đây là một trường hợp nhiễm khuân sơ sinh rất nặng.
"Trẻ được xử trí bù dịch, kháng sinh, dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp, truyền máu, vận mạch, truyền IVIG kháng thể tăng cường sức đề kháng. Trẻ được theo dõi, chăm sóc tích cực, hội chẩn hàng ngày. Hiện tại trẻ vẫn trong tình trạng nặng, có tình trạng tim mạch ổn định, thở máy, khí máu trong giới hạn ổn định, ăn có tiêu, giảm phù đỡ vàng da. Với trẻ này, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi liên tục, đánh giá những thay đổi của trẻ để có những thay đổi điều trị phù hợp"- ThS. Nam nói.
Các bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhi tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Trẻ thứ 2, vào viện ngày tuổi thứ 4, tuổi thai 35 tuần. Tiền sử sản khoa con lần 2, mổ đẻ, mẹ rối loạn chảy máu. Cân nặng lúc sinh 3000g, chẩn đoán chuyển viện suy hô hấp, đẻ non 35 tuần nhiễm khuẩn sơ sinh. Vào viện có tình trạng suy hô hấp, da vàng được điều trị tích cực kháng sinh, dinh dưỡng, theo dõi sát toàn trạng 1h/lần.. Trẻ được chiếu đèn, hiện trẻ còn vàng da phản xạ có tốt hơn đã ăn được. Hướng điều trị tiếp theo, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi toàn trạng, theo dõi sát tình trạng hô hâp, tuần hoàn và dinh đưỡng để có quyết định xử trí kịp thời.
Trẻ thứ 3, vào viện ngày tuổi thứ 4, tuổi thai 34 tuần, cân nặng lúc sinh 2900gam, tiến sử con đầu, đẻ thường, sau đẻ suy hô hấp đã được hỗ trợ thở máy. Chẩn đoán chuyển viện suy hô hấp nhiễm khuẩn sơ sinh đẻ non 34 tuần. Vào viện suy hô hấp da vàng, siêu âm tim phát hiện bệnh tim bẩm sinh: còn ống động mạch. Các bác sĩ xử trí kháng sinh thở oxy, chiều đèn, dinh dưỡng. Hiện trẻ còn vàng da, tình trạng huyết động trong giới hạn ổn định, không phải thở oxy, đã ăn được. Hướng tiếp theo sẽ theo dõi sát diễn biến để có xử trí kịp thời hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh thăm hỏi gia đình bệnh nhi và quyết định miễn toàn bộ viện phí cho 3 trẻ điều trị tại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai - người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị cho trẻ sơ sinh cho biết, ngoài tình trạng nhiễm trùng, trẻ có tổn thương rất nhiều cơ quan: Phổi, tim, gan, não... Nói về tình trạng nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, PGS. Dũng cho biết đây là vấn đề thường gặp, tuy nhiên việc điều trị bệnh tùy thuộc vào vi khuẩn trẻ mắc phải, phụ thuộc vào từng trẻ, sức đề kháng mỗi trẻ khác nhau, trẻ đủ tháng khác với trẻ sinh non, phụ thuộc vào cả tình trạng người mẹ trước khi đẻ, hoặc khi điều trị em bé có đáp ứng tốt không... Chính vì vậy trẻ được theo dõi tỉ mỉ, từng giờ, hội chẩn hàng ngày... Việc sử dụng kháng sinh cho các trẻ này cũng là vấn đề đáng lưu ý và cần chiến lược kháng sinh phối hợp mới có thể điều trị được.