Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 5/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) bùng phát tại Trung Quốc và lây nhiễm tại một số nước, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp thông tin tại họp báo. Ảnh: VGP
Tại phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…
Trước hết, về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Hiện có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.
Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động.. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc"; Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Trong đó, nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí. An sinh xã hội được đảm bảo...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ xác định chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, bên cạnh đó ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó kịp thời bất lợi do dịch bệnh gây ra, kiểm soát hạn chế gia tăng bất thướng của hàng hóa. Thủ tướng chỉ đạo miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, vật tư thiết bị y tế phòng chống dịch.
Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng.
Tại phiên họp, trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án cách ly tại chỗ có tốt nhất cho chống dịch nCoV đặc biệt với khối xã phường. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch. Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng: Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Lực lượng quân đội đã chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung , nhưng số này không nhiều. Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình.
Theo yêu cầu đưa ra, việc cách ly trực tiếp do người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, còn ngành y tế nắm bắt tình hình, kiểm soát về chuyên môn hằng ngày.
Việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp uỷ thực hiện tốt việc này . Năm 2003 khi có dịch SARS chúng ta đã thành công trong chống dịch nhờ thực hiện cách ly tương tự. Lần này chúng ta làm sớm hơn 2003, tôi cho rằng, nếu thực hiện cương quyết cách ly sẽ kiểm soát tốt hơn dịch nCoV trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi phóng viên về việc hiện rất nhiều người dân thường khi đăng tin sai lệch thì cơ quan chức năng xử lý rất nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng có thông tin giả nhưng lại bị xử lý rất chậm. Xin hỏi nguyên nhân tại sao? Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Đến ngày hôm nay, Bộ TT&TT và các đơn vị được giao phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện, có trách nhiệm xử lý hành chính. Thông tin chúng tôi nắm được từ các Sở TT&TT và Công an các tỉnh cho thấy, đến nay việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch là rất quyết liệt. Cụ thể, tại TP. Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập một cá nhân để xử phạt. Tại TPHCM, đang tiến hành xử lý 17 trường hợp tung tin sai sự thật về viêm đường hô hấp cấp. Theo thông tin chúng tôi nắm được, TPHCM sẽ quyết tâm xử lý các trường hợp. Thanh Hoá cũng xử lý 3 đối tượng, Đà Nẵng xử lý 2 đối tượng. Quảng Ninh xử lý một trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng. Cần Thơ cũng xử lý một cá nhân. Thái Nguyên đang xử lý 2 đối tượng.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang bổ sung: Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương vào cuộc đấu tranh, xử lý theo quy định. Hiện nay, chúng tôi đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết gỡ bỏ, căn cứ theo Khoản 3, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và quy định trong việc loan tin đồn sai qua mạng. Chúng tôi cũng đang tiếp tục làm rõ với hơn 40 trường hợp không hợp tác.
Trả lời câu hỏi sẽ miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị, hóa chất phòng bệnh? Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “chống dịch như chống giặc”, với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng tương đối thiếu và khan hiếm. Bộ Tài chính dự kiến và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng trong Công văn số 92 ngày 4/2/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp các bộ trình phương án miễn thuế khẩu trang y tế nhập khẩu phòng chống dịch. Chúng tôi trao đổi với bộ chuyên ngành có mã cụ thể khi thông quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thứ hai là miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, các mã sẽ cụ thể hoá trong quyết định miễn thuế; thứ ba, miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng trong chống dịch, chúng tôi cũng đang cụ thể các mã trong quyết định.
Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp các đơn vị như Bộ Công Thương cụ thể hoá các mã hàng. Trong sáng mai (ngày 6/2) chúng tôi cũng xin ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, sau đó khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định sớm.
Thành Thu
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đông thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng.