Miền quê 'nháo nhác' vì thực phẩm chức năng tràn về

06-04-2022 10:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng nhiều người tại các vùng nông thôn vẫn bị sập bẫy vì thủ đoạn lừa đảo mua thực phẩm chức năng với giá trên trời kèm loại quà tặng không rõ nguồn gốc.

Thực phẩm bổ sung với giá "trên trời"

Ngồi thất thần bên lô thực phẩm chức năng vừa mua, bà Lê Thị Phụng (Xuân Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Bà Phụng cho biết, trưa ngày 01/4, khi đang ngủ trưa bà được chị gái gọi đến nhà nói có đoàn giới thiệu sản phẩm sữa cho người đau nhức xương và có tặng dùng thử.

Thấy chồng mình cũng đang bị đau nhức tay, lưng, bà Phụng lật đật chạy sang nhà xem thực hư thế nào. Bà Phụng kể lại, đến nơi có khoảng 20 người đang ngồi nghe đôi nam nữ giới thiệu về sản phẩm sữa nano canxi sụn vi cá mập. Theo lời giới thiệu, loại sữa này rất tốt cho người đang bị thoái hóa khớp xương, đau nhức mỏi cổ vai gáy, bị lão hóa xương, xốp xương… toàn bộ nguyên liệu được nhập từ Newzeland, được kiểm định gắt gao của Cục kiểm định chất lượng có mã tem, mã vạch đầy đủ trên bao  bì.

"Vì đã có nhiều các đoàn tự giới thiệu là người của công ty, tổ chức này, tổ chức nọ về tổ chức hội thảo để lừa đảo bán các loại thực phẩm chức năng, đồ gia dụng với giá trên trời, nên tôi cẩn trọng chỉ đi người không sang xem thế nào. Tuy nhiên không hiểu sao, nghe nhân viên giới thiệu chúng tôi như bị thôi miên, ký vào giấy gì đó, sau đó lại  về nhà lấy 5 triệu mua hàng", bà Phụng kể.

Bà Phụng cho biết, bà mua 2 hộp sữa với giá 1.500.000 nghìn đồng và được tặng kèm thêm một lọ thuốc xoa bóp, một hộp xông tinh dầu, kèm 1 chai nước mắm. 

Tuy nhiên sau khi về nhà nhờ con tìm hiểu giá bán trên mạng, bà Phụng mới tá hỏa khi bị mua đắt gấp đôi, gấp 3 so với giá thị trường, bởi có nơi chỉ bán với giá 350 nghìn, thậm chí 250 nghìn/hộp. Sau khi biết mình bị lừa bà Phụng mất ăn mất ngủ nhiều ngày một phần vì xót tiền, phần vì không biết chất lượng sản phẩm thế nào nên cũng không dám cho chồng dùng.

Miền quê nháo nhác vì lừa đảo thực phẩm chức năng tràn về - Ảnh 1.

Lô thực phẩm bổ sung được bà Phụng mua với giá "trên trời".

Mất  tình làng nghĩa xóm

Điều đáng nói, bà Phụng còn cho hàng xóm vay 700 nghìn để mua sữa nhưng sau khi biết bị lừa người hàng xóm kia không trả tiền, hai người lời qua tiếng lại. Vốn dĩ hai gia đình là hàng xóm thân thiết với nhau thì nay từ mặt nhau.  

Trước đó, bà Lê Thị Nhung (chị gái bà Phụng) kể lại, sáng ngày 01/4, có một người đàn ông ăn vận rất bảnh bao, đi xe ô tô đậu trước cửa nhà, thấy bà Nhung đang đứng ở cổng người đàn ông này tiếp cận, sau khi hỏi han về hoàn cảnh gia đình, biết nhà chỉ có hai ông bà già, người này mới giới thiệu là nhà phân phối của một công ty sữa, đang đi tìm mặt bằng để đặt biển hiệu. Nếu bà Nhung đồng ý, sẽ thuê trước cửa nhà bà để đặt biển hiệu cho công ty, một tháng sẽ trả 2 triệu đồng chi phí.

Nghe "bùi" tai, bà Nhung đồng ý ngay. Sau đó người đàn ông này thông báo, trưa nay sẽ cho người của công ty đến giới thiệu sản phẩm, nhờ bà Nhung kêu gọi mọi người đến nghe.

Buổi trưa, chiếc ô tô màu trắng đưa hai nhân viên của công ty sữa đến, rồi "biến mất", Bà Nhung gọi điện cho tất cả những người thân quen, tập hợp được 20 người. Sau đó là xảy ra sự việc như trên.

Những người tham gia buổi giới thiệu sản phẩm tại nhà bà Nhung hôm đó, người mất nhiều nhất là bà Tuyết (em dâu bà Nhung) bị lừa mua hết 4 triệu tiền sữa, người ít nhất là 700 nghìn.

Mọi người phân trần, cứ tưởng là được tặng sản phẩm miễn phí nên chúng tôi đến, tuy nhiên không hiểu sao sau khi nghe họ giới thiệu sản phẩm tất cả như bị chuốc mê, họ nói gì cũng làm theo. Thậm chí khi họ đi khỏi cũng không biết, khi sực tỉnh gọi điện cho số điện thoại họ cung cấp thì liên tục thuê bao, lúc đó tất cả mới biết bị lừa.

Bà Nguyễn Thị Thiện - Hội Phụ nữ xã Xuân Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, các đối tượng này tiếp cận trực tiếp người dân mà không thông qua xã nên xã cũng chưa nắm được thông tin. Chúng tôi đang xác minh lại để cảnh báo cho người dân biết, tránh gặp phải các trường hợp lừa đảo trên. Đáng nói là các đối tượng này, ngoài cung cấp số điện thoại "rác" thì chúng không để lại bất cứ thông tin nào, người dân cũng không lưu bất cứ hình ảnh, giấy tờ gì về các đối tượng trên, nên việc tìm kiếm, điều tra cũng khó khăn.

"Trước đây tại xã thỉnh thoảng có các công ty về tổ chức Hội thảo tại nhà văn hóa để bán hàng gia dụng với giá cao, tuy nhiên sau một số lần biết họ là những đối tượng lừa đảo, xã đã không cấp phép cho bất cứ hoạt động hội thảo nào tại xã nữa. Và trên hệ thống loa truyền thanh của các làng, xã đã thông báo về tình trạng lừa đảo này cho người dân biết, nhưng không hiểu sao người dân vẫn cả tin", bà Thiện cho biết thêm.

Tình trạng lừa đảo, bán các thực phẩm bổ sung với giá cắt cổ tại các vùng nông thôn đã xảy ra từ rất lâu. Trước đó các địa phương như Nghệ An, Hòa Bình, Nam Định… cũng đã xảy ra các tình trạng trên. Sau một thời gian trầm lắng vì dịch bệnh, các đối tượng này lại hoạt động rầm rộ, đề nghị các lực lượng chức năng khẩn trương vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm và cần có những cảnh báo để bà con không bị  "tiền mất, tật mang".

3 nhóm học sinh cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường3 nhóm học sinh cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường

SKĐS - Sau thời gian dài trẻ em ở nhà học trực tuyến, đến nay học sinh tiểu học ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác được đến trường. Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị những gì?

HƯỚNG DẪN CÁCH SƠ CỨU TRẺ BỊ ĐUỐI NƯỚC


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn