Năm 2019, Quan họ vẫn là thỏi nam châm với lực hút khó cưỡng, thu hút số lượng rất lớn du khách trong nước và quốc tế.
Chủ trương bảo tồn và phát triển
Có thể nói, Dân ca Quan họ Bắc Ninh có sức hút đặc biệt và phong phú với hàng trăm làn điệu, nhưng để các chương trình diễn ra đều đặn hàng tuần, hàng tháng không trùng lặp và nhàm chán, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã lên kế hoạch từng chương trình rất tỉ mỉ. Trong số hàng trăm làn điệu Dân ca Quan họ cổ, giới chuyên môn đã tuyển chọn được khoảng 60 làn điệu phù hợp với hình thức biểu diễn Quan họ trên thuyền. Các làn điệu này sẽ được sắp xếp, bố cục thành nội dung cụ thể cho từng đêm diễn hàng tuần, hàng tháng và hàng quý với thời lượng 90 phút/chương trình bao gồm các tiết mục đơn ca, song ca, đối ca, tốp ca... Những ai về Bắc Ninh dịp Xuân 2019 chắc chắn sẽ không thể bỏ lỡ “bữa tiệc” Dân ca Quan họ đặc sắc tại đây.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009. Từ đó đến nay đã tròn 10 năm, những nhà quản lý văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương trong việc bảo tồn và phát triển Quan họ như thực hiện chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân Quan họ; công tác sưu tầm, nghiên cứu được tiếp cận đa chiều làm giàu thêm giá trị Dân ca Quan họ; việc tuyên truyền, truyền dạy Quan họ cũng được chú trọng... Đến nay, từ 44 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thành 329 làng Quan họ thực hành, sưu tầm, ghi âm, ký được hơn 500 bài Dân ca Quan họ cổ được phân định thành 213 giọng.
Những ngày này, bên cạnh hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, Festival Về miền quan họ 2019 cũng được tổ chức quy mô cấp tỉnh gồm 5 hoạt động chính và 21 hoạt động hưởng ứng đã đem đến cho cộng đồng quan họ niềm tự hào cũng như ý thức hơn về việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản độc đáo này.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.
Nỗ lực bảo tồn di sản
Miền Quan họ lúc nào cũng rộn ràng trong mùa lễ hội, nhưng những người yêu văn hóa truyền thống Việt chưa bao giờ hết trăn trở về vấn đề bảo tồn thứ di sản vô giá này.
Từ năm học 2011, ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục của tỉnh Bắc Ninh nhằm đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy tại các trường cho học sinh từ mầm non đến cấp phổ thông. Đây là định hướng bảo tồn và phát triển làn điệu Dân ca Quan họ theo cam kết của Việt Nam với UNESCO khi Quan họ được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Dẫu những người đang gánh vác trọng trách này còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng có một minh chứng rõ nét cho việc Quan họ Bắc Ninh đến ngày nay vẫn có một sức sống tiềm tàng và đã có một hướng phát triển hoàn toàn mới mẻ: Quan họ của “Sinh viên tình nguyện”. Đây được coi là “đặc sản” của Hội Đồng hương Sinh viên Kinh Bắc - CLB Quan họ Sinh viên Kinh Bắc - Tụ điểm duy nhất của sinh viên về Quan họ giữa lòng Hà Nội.
Gần chục năm nay, những câu quan họ đầm ấm, trữ tình vẫn vang lên trên con phố Trần Đại Nghĩa bởi các bạn sinh viên trong CLB Quan họ Sinh viên Kinh Bắc. Cứ mỗi tuần một lần, các thành viên lại gặp gỡ nhau tập hát những làn điệu quan họ tại nhà Bác - cựu giảng viên ĐH Xây Dựng - người đồng hành, giúp đỡ CLB từ những ngày đầu thành lập. Được sự hướng dẫn của thầy Hữu Duy - một Liền anh thế hệ 8X, nghệ sĩ của đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các thành viên đã bắt đầu có những nền tảng cơ bản để hát Quan họ và đã có thể tổ chức được những chương trình biểu diễn Quan họ của riêng mình như Đến hẹn lại lên, Xuân qua miền Quan họ, các buổi biểu diễn cho sinh viên trong các hoạt động tình nguyện, Mùa hè xanh... Chúng ta không còn lạ lẫm với hình ảnh những cô cậu sinh viên mặc áo tình nguyện và hát Quan họ nhưng vẫn cứ mượt mà, vẫn cứ lay động lòng người, vẫn cứ “lúng liếng” trong nhau cái tình Quan họ và vẫn hẹn hò mỗi chiến dịch về quê hương. Vừa là để quảng bá Quan họ Bắc Ninh, vừa là để nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, nhưng quan trọng nhất là các bạn sinh viên Kinh Bắc muốn mang cái tình Quan họ, vượt thời gian đến gần với giới trẻ, với cuộc sống bận rộn của Thủ đô.
Để gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa vô giá này, tỉnh Bắc Ninh đã đưa các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cùng các nghệ nhân tham gia nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp của di sản này đến công chúng trong nước và nước ngoài. Suốt 10 năm qua, 1.079 buổi biểu diễn (916 buổi trong tỉnh, 158 buổi ngoài tỉnh) đã được tổ chức. Quan họ cũng đã vượt biên giới để đến với khán giả 5 quốc gia: Lào, Trung Quốc, Pháp, Ðức và Cộng hòa Séc.
Những nhà chứa quan họ - thiết chế văn hóa đặc thù riêng của người quan họ, nơi diễn ra các sinh hoạt, giao lưu, truyền dạy cũng được phục dựng theo lối truyền thống. Có thể kể tới những cái tên đã trở thành chất keo gắn kết cộng đồng Quan họ Bắc Ninh như Nhà chứa quan họ thị trấn Lim 1 và 2 (thị trấn Tiên Du), khu Ðương Xá (phường Vạn An), thôn Viêm Xá (xã Hòa Long), phường Thị Cầu (TP. Bắc Ninh)... Trong những không gian này, người trẻ có cơ hội được nhiều nghệ nhân tên tuổi như Lê Cần, Hồng Tĩnh hay nhạc sĩ Ðức Miêng, Ngọc Lương... hoặc các liền chị - liền anh như Ðặng Thị Huệ - Nguyễn Văn Thuyết (Ðương Xá) nhiệt tình chỉ dạy, uốn nắn từ câu hát cổ, đến những giọng khó như giọng vặt - giọng giã bạn...
Cũng trong khoảng 10 năm trở lại đây, hơn 20 lớp dạy hát dân ca đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại 8 địa phương, do các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh có riêng Khoa Dân ca quan họ với 360 nghệ sĩ được đào tạo. Ðáng chú ý, việc dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong tất cả các cấp học, từ lớp mẫu giáo đến học sinh lớp 12 đã được triển khai từ năm 2011. Một học sinh tốt nghiệp THPT ở Bắc Ninh đều có ít nhất 26 bài Dân ca Quan họ làm hành trang bước vào đời.
Có thể nói, đây là chặng phát triển mới của Quan họ trong dòng chảy bất tận của nó.