90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất
Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh được triển khai tại Việt Nam từ năm 2007 do Tổng cục Dân số - Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bệnh viện tại TW về chuyên khoa là tuyến cuối về lĩnh vực sản phụ khoa và di truyền đã thành công với kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: Mạng lưới cung cấp dịch vụ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh đến nay đã được triển khai tại 63 tỉnh (642 huyện và 9546 xã). Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% năm 2016 lên 56,43% năm 2019. Tỷ lệ trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 23% năm 2016 lên 40% năm 2019.
Nâng cao chất lượng dân số là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, được thể hiện trong chính sách và văn bản pháp luật về Dân số. Luật Trẻ em năm 2016 quy định "Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh – Khoản 4 Điều 43".
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ "Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố đặc biệt là chất lượng dân số" và "Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh".
Trong đó có mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Thực hiện miễn phí cho các đối tượng chính sách tại các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa
Ngày 07/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1999/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.
Để thực hiện quyết định nêu trên của Thủ tướng, Bộ Y tế đã ban hành danh mục một số bệnh tật bẩm sinh được chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản tại quyết định 3845/QĐ-BYT ngày 11/8/2021.
Cụ thể: Đối với sàng lọc trước sinh gồm các 4 mặt bệnh: Hội chứng Edward; Hội chứng Down; Hội chứng Patau; Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Đối với sàng lọc sơ sinh gồm các 5 mặt bệnh: Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh; Bệnh thiếu men G6PD; Tăng sản thượng thận bẩm sinh; Khiếm thính bẩm sinh; Bệnh tim bẩm sinh.
ThS.BS Phạm Hồng Quân - Trưởng phòng Cơ cấu và chất lượng dân số (Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, gói dịch vụ cơ bản nêu trên sẽ được thực hiện miễn phí cho các đối tượng chính sách tại các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Đối tượng miễn phí cụ thể thực hiện gói dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cơ bản trong Chương trình Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 gồm: Đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội; người dân tại thôn đặc biệt khó khăn; xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; vùng nhiễm chất độc dioxin.
Mô hình tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn được thí điểm từ 2003 đến 2017, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai tại 63 tỉnh (494 huyện và 3523 xã). Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người tạo 492 xã thuộc 25 tỉnh chú trọng đến đối tượng khó tiếp cận, tập trung vào nội dung giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chương trình Mở rộng tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030
Chương trình Mở rộng tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020, Gồm mục tiêu Tổng quát, 8 mục tiêu cụ thể và 5 nhiệm vụ giải pháp.
Mục tiêu: Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu, cần có nhưng nội dung hoạt động để đạt được các chỉ tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030 và giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống;
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50% năm 2025; 70% năm 2030;
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;
- Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;
- Phát triển cơ sở sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ở bệnh viện chuyên khoa sản, sản - nhi hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh tại 35 tỉnh, thành phố vào năm 2025 và tăng lên 56 tỉnh, thành phố năm 2030;
- 05 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực và các trung tâm chuyên sâu hiện có được nâng cấp; phát triển thêm 02 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây nguyên vào năm 2025;
- 03 cơ sở sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện có đạt chuẩn ngang tầm ASEAN vào năm 2025.
Phạm vi: thực hiện trên phạm vi cả nước.
- Đối tượng thụ hưởng: Vị thành niên; nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh;
- Đối tượng tác động: Người dân trong toàn xã hội, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ y tế, dân số, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.
Kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi đầu tư) bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, được bố trí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình và dự án khác; bao gồm khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.