Miền ký ức thương cảng cổ Vân Đồn

20-10-2014 14:00 | Thời sự
google news

Đến Quan Lạn hôm nay, du khách không chỉ bị hút hồn bởi những bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn mà còn thực sự bị níu chân nếu đã từng một lần bước vào không gian tín ngưỡng - tôn giáo...

Đến Quan Lạn hôm nay, du khách không chỉ bị hút hồn bởi những bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn mà còn thực sự bị níu chân nếu đã từng một lần bước vào không gian tín ngưỡng - tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng biển Đông Bắc này.

Những hoa văn chạm khắc hình rồng sinh động ở đình Quan Lạn. Ảnh: VNP

Nơi ghi dấu trận hải chiến đầu tiên

Không gian đó chính là Cụm di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đình - chùa - miếu - nghè nằm trên xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Có thể nói, không nơi nào có một hệ thống cụm di tích độc đáo về vị trí và đặc biệt ngay cả từ tên gọi như cụm di tích này. Hệ thống đình - chùa - miếu ở đây được xây dựng liền kề, nối tiếp nhau trên cùng một dải đất, phía trước mặt là bến đình. Đây là nơi tổ chức lễ hội Quan Lạn (còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn), nhằm kỷ niệm Chiến thắng Vân Đồn năm 1287 của tướng Trần Khánh Dư, một vị tướng tài của nhà nước Đại Việt, người đã lập công lớn trong trận đánh thuyền lương của giặc (đây được coi là trận hải chiến trên biển đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt), góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của Nhà nước Đại Việt và bảo vệ vùng biển biên ải Đông Bắc của Tổ quốc.

Không gian tâm linh của vùng đất từng là thương cảng “bậc nhất trời Nam” này khiến những người đã đến đây đều không thể bỏ qua trong hành trình của mình. Điều độc đáo đầu tiên mà chúng tôi nhắc đến đó là ngôi đền chính thờ tướng Trần Khánh Dư. Mặc dù đã được đổi tên là đền từ cách đây gần chục năm nhưng đặc biệt nó vẫn nằm trong tiềm thức của người dân trong vùng với cái tên là Nghè. Minh chứng hôm chúng tôi hỏi đến ngôi đền này mà phải lòng vòng mãi qua những ngôi đền khác mới đến được đây. Theo lời ông thủ từ Châu Văn Mạnh, người đã trông coi ngôi đền được hơn chục năm nay cho biết: “Từ trước, người dân vẫn quen gọi đền thờ cụ là nghè. nghè ở đây để ý gọi những người có chữ, thành đạt, học rộng, hiểu biết rộng (ông cống, ông nghè,...) nhưng lại sống vô cùng dân dã, thanh tao. Và nghè là cách gọi thể hiện sự kính trọng, quý mến của nhân dân trong vùng. Hỏi đến nghè thì mọi người chỉ đúng chứ hỏi đền thờ là người ta chỉ đến những ngôi đền khác nằm trên địa bàn xã”.

Người xưa dùng lõi gỗ lim làm trụ, cột cho đình Quan Lạn. Ảnh: VNP

Ông Mạnh cũng cho biết thêm, năm 1990, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia cho cụm di tích này cũng có ghi là “Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn”... Bởi vậy, khi dẫn khách du lịch đi thăm quan đền thờ, ông Mạnh cũng vẫn theo thói quen gọi là nghè và nhiều du khách đã từng đến đây cũng giữ thói quen gọi đền là nghè kể cả khi biết đã đổi tên. Nghè được trùng tụ lại vào năm 1995 theo kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Nghè Trần Khánh Dư cùng với cụm di tích đình, chùa, miếu Quan Lạn có mối quan hệ rất gắn bó, mật thiết với nhau. Hàng năm, vào dịp lễ hội diễn ra, dân làng vẫn tổ chức Lễ rước kiệu Trần Khánh Dư (phần lễ chính trong lễ hội) từ đình về nghè để thờ.

Theo chỉ dẫn của ông Mạnh, chúng tôi tìm đến Cụm di tích đình, chùa, miếu Quan Lạn được miêu tả là đặc biệt về vị trí xây dựng nằm nối tiếp và sát cạnh nhau này. Theo đó, đình Quan Lạn đầu tiên được xây dựng ở gần bến Cái Làng, trung tâm thương cảng Vân Đồn. Sau nhiều thế kỷ hưng thịnh, cảng Vân Đồn dần hoang tàn do việc thông thương đã đi sâu vào khu vực kinh kỳ và phố Hiến. Dân Cái Làng cũng vì thế mà chuyển chỗ để chuyên nghề biển và ngôi đình cũng bị di chuyển vị trí 2 lần.

Ngôi đình ngày nay được xây dựng vào những năm 1890 - 1900. Nằm giữa trung tâm của đảo. Đình gồm một bái đường nối với hậu cung bởi ba gian ống muống. Chủ yếu bằng gỗ mần lái, một loại gỗ vào hàng tứ thiết, chỉ thấy ở vùng đảo Hải Vân. Trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong, phía trước đình đắp bốn chữ nổi “Quốc thịnh dân hưng”, thể hiện ước vọng của người dân trong vùng. Đình hiện còn lưu giữ được 18 sắc phong của các vua triều Nguyễn. Đình thờ thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng và sau đó phối thờ tướng Trần Khánh Dư.

Nằm bên cạnh đó là chùa Quan Lạn. Chùa có tên chữ là Linh Quang tự. Chùa có kiến trúc giản dị. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài. Chùa Quan Lạn thờ Phật, thờ Mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu (một người gốc Quan Lạn sống hiền lành, phúc hậu và hiến tặng nhiều tài sản cho chùa). Hiện nay chùa còn lưu giữ được đầy đủ hệ thống tượng Phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh.

Thời gian tạo nên những dấu vết đặc biệt, ấn tượng với mỗi ai khi thăm đình làng Quan Lạn. Ảnh: VNP

Cái Làng, thương cảng cổ Vân Đồn

Điều hấp dẫn làm mê hoặc lòng người chính là vịnh Bái Tử Long là những hòn đảo có dân cư sinh sống từ bao đời nay. Trên địa danh Quan Lạn - Minh Châu, hiện vẫn còn tồn tại một thương cảng cổ bậc nhất của nước Việt xưa.

Ngồi trên con tàu đưa bà con đất liền ra đảo Quan Lạn thu mua hải sản, lắng nghe ông chủ tàu tên Minh - người xã đảo Quan Lạn giải thích hai từ “Quan Lạn” cho một ông khách người gốc Huế. Chủ tàu Minh cho rằng thực ra đảo Quan Lạn có tên thực là Quan Nạn, nghĩa là “quan gặp nạn” do ngày xưa vị quan nào đó có lỗi nên bị triều đình đưa đến vùng đảo xa xôi này, chữ “Lạn” là do người xã đảo nói ngọng “Nạn” thành “Lạn” mà thôi. Ông Minh cho biết thêm, đảo Quan Lạn là hòn đảo dài và rộng nhất, có người ở, nằm trong quần đảo Vân Hải trên vịnh Bái Tử Long.

Cụ Phạm Công Hội, 86 tuổi, một trong những người cao tuổi nhất của đảo Quan Lạn cho chúng tôi hay, cư dân trên đảo đa phần là gốc người Thanh Hóa nên phát âm giống y chang người Thanh Hóa trong đất liền. Có nhiều dòng họ trên đảo hiện nay vẫn còn liên lạc với những dòng họ gốc trong Thanh Hóa.

Biết chúng tôi có ý định đi tìm lại những dấu tích của thương cảng cổ Vân Đồn xưa, cụ Hội hào hứng hẳn lên. Cụ cho hay, trước kia gia đình cũng ở bến Cái Làng, là nơi trung tâm của thương cảng sầm uất một thời. Hơn chục năm trở lại đây, khu vực Cái Làng bị cát biển bồi lấp khiến dân làng khó vận chuyển bằng thuyền bè cập bến, người dân chuyển dần ra gần trung tâm xã. Khu vực Cái Làng trở nên hoang vu.

Ông Nguyễn Văn Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết, từ năm 1967 đến năm 1995, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật nhiều vùng trên đảo Quan Lạn. Tại khu vực Cái Làng, các nhà khoa học và khảo cổ đã phát hiện ra nhiều nền nhà cổ. Từ Cái Làng đến Cống Cái có một bãi dài 200m, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng triệu mảnh sành sứ, có đoạn dày tới gần 1m, được xác định niên đại từ thời Lý đến thời Lê. Hầu hết các loại gốm được phát hiện ở khu vực này sau khi xác minh là các loại gốm vùng Hải Dương, Bắc Ninh, trùng khớp với các loại gốm phát hiện ở bến cửa sông Bạch Đằng, sông Kinh Thầy và Móng Cái. Các nhà khoa học khẳng định, thương cảng Vân Đồn xưa là nơi trung chuyển của “con đường gốm sứ” Việt Nam ra với thế giới.

Không biết thương cảng cổ ngày xưa sầm uất thế nào chứ hôm nay nhìn quanh rừng núi hoang vắng, nhưng những cụm di tích về một thời quá khứ huy hoàng được đánh giá gắn chặt với đời sống lao động của cư dân làng biển và truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Bởi vậy nơi đây là một không gian tĩnh lặng, thoáng đạt và quan trọng hơn cụm di tích này đã có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tiềm thức cũng như trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.   

Hải Đăng - Thảo Vi

 


Ý kiến của bạn