Hà Nội

Miền điện năng chứa đựng cả tâm hồn...

24-04-2016 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Sáng kiến Giải pháp chống đứt dây bọc dẫn lưới điện trung thế 22kV của kỹ sư Nguyễn Thanh Phương đã tràn ngập những bản tin thời sự về ngành điện lực.

Khi tôi bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn với sự nhỏ nhẹ và bận rộn của Phương thì cái tin sáng kiến Giải pháp chống đứt dây bọc dẫn lưới điện trung thế 22kV của kỹ sư Nguyễn Thanh Phương cùng các cộng sự ở Công ty Điện lực Quảng Trị đã tràn ngập những bản tin thời sự về ngành điện lực. Tôi vẫn tin Phương mới chính là người giúp tôi đi vào miền năng lượng đã và đang không ngơi lôi cuốn tuổi trẻ, niềm say mê và nhiệt huyết của anh.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Phương (ngoài cùng, bên trái) và các đồng nghiệp ở Công ty Điện lực Quảng Trị.

Thuộc lớp kỹ sư điện đã được các thế hệ xây dựng Nhà máy Điện Quảng Trị ngay sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Chi nhánh điện Quảng Trị thời Bình Trị Thiên, Sở Điện lực Quảng Trị khi tỉnh nhà được lập lại và Công ty Điện lực Quảng Trị ngày nay cũng như được nhân dân tin tưởng và kỳ vọng, cuộc sống của Phương thân thiết với hệ thống đường dây 110kV, các trạm nguồn 110kV, lưới điện từ 0,4kV đến 35kV trải rộng, vươn dài khắp toàn tỉnh, từ Mỹ Chánh, Diên Sanh về Bồ Bản, ra Cửa Việt, Cửa Tùng lên Cùa, Bến Quan, Khe Sanh, Lao Bảo, A Dơi, Hướng Linh, Hướng Phùng... giúp mọi người thắp sáng cuộc sống ở muôn nơi.

Công việc của Phương ở Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Trị luôn cho thấy người kỹ sư hệ thống điện bốn mươi tuổi này trực tiếp chỉ đạo quản lý vận hành và cùng đồng nghiệp đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục với chất lượng ngày càng cao. Tôi hiểu vì sao Phương chuyên tâm với công việc đó sau khi nghe anh kể về cảm xúc của mình trong lần đứng trước bức tranh vẽ một phụ nữ cấy lúa trên đồng ruộng ngước mắt nhìn bầu trời âm u, xám xịt. Quê nhà của Phương ở xã Hải Phú của huyện Hải Lăng nên Phương tường tận lắm ý nghĩa của dòng điện trong đời sống của mỗi người, mỗi nhà trong đà chuyển, nhịp tiến tới no ấm và giàu đẹp.

Bằng tất cả tâm hồn, Phương đã và đang khiến một công việc tưởng chừng khô khan bậc nhất là phụ trách Phòng Kỹ thuật của Công ty Điện lực trở nên hấp dẫn kỳ lạ. Tưởng chừng khô khan nên Phương ngăn tôi tìm kiếm cảm hứng sáng tác với việc theo dõi tình hình vận hành lưới điện, đề xuất các giải pháp chống quá tải lưới điện và các chương trình đầu tư phát triển, sửa chữa lưới điện... Công việc của Phương và các đồng nghiệp trong Phòng Kỹ thuật vì vậy mà tưởng chừng như bất tận, bởi họ còn cùng nhau phối hợp các đơn vị liên quan điều hành sản xuất, đảm bảo cấp điện tin cậy và hiệu quả, giảm tổn thất điện năng, giảm suất sự cố lưới điện.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Phương.

Phương quen thuộc từng đặc điểm của mỗi trạm nguồn, nhánh rẽ và nắm rõ công suất phụ tải hoặc sản lượng điện ở các vùng, miền trong tỉnh. “Dẫu công sức của lớp trẻ chúng mình chưa thấm vào đâu so với các thế hệ trước nhưng niềm vui là rất lớn khi bây giờ tất cả xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có lưới điện quốc gia và sản lượng điện tăng hơn 40 lần sau hơn 25 năm lập lại tỉnh” - một nỗi tự hào lấp lánh trong giọng nói nhỏ nhẹ của Phương, và tôi muốn nói thêm rằng những con người như anh đang làm chính công việc để tiếp tục nâng cao những thành tựu có nhiều ánh sáng và lương tri ấy của ngành điện lực hôm nay. “Đó là trách nhiệm và tình cảm của người kỹ sư điện với quê nhà đồng thời là niềm vui của chúng mình trong cuộc sống” - với câu nói này, tôi thấy rõ mắt kính cận trong suốt trên gương mặt trắng trẻo của Phương mờ đi vì một niềm xúc động trong Phương đang dâng tràn.

Cái nắng chói chang khác thường của một buổi chiều đang trong ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài đưa câu chuyện giữa chúng tôi đến với sự khô hạn dẫn tới sự cạn kiệt nước trong các hồ, đập thủy điện ở một số tỉnh, thành. Và Phương trong một nét ưu tư quen thuộc đã nói sự ổn định và thông suốt của nguồn điện luôn đòi hỏi ở con người sự phối hợp khăng khít, không dứt và linh hoạt như chính những dòng nước chảy từ nguồn xa, gần về các lòng hồ thủy điện. Tuồng như khi ấy tôi đã không còn băn khoăn tự hỏi bằng cách nào các kỹ sư, chuyên viên và nhân viên của Phòng Kỹ thuật ngày ngày hợp sức với Phương thực hiện tốt quá trình quản lý vận hành và củng cố nguồn lưới điện để đảm bảo lưới điện vận hành linh hoạt.

Cột thu sét tại vị trí đỉnh cột điện 22kV trên lưới điện ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Bởi chính yêu cầu cung cấp điện năng phục vụ đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà với độ tin cậy ngày càng cao đã thôi thúc họ điều động tái bố trí các vị trí lắp đặt thiết bị trên lưới điện, xử lý tất cả các tồn tại sau thí nghiệm định kỳ, chỉnh sửa một số bộ quy trình vận hành thiết bị điện, thực hiện một số chuyên đề về quản lý kỹ thuật như thống nhất một chủng loại khóa cho toàn bộ tủ điện trạm biến áp, thiết kế bình dầu phụ lưu động phục vụ sửa chữa bình dầu phụ của máy biến áp đang vận hành, xử lý hành lang lưới điện, hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng hàng chục công trình thiết kế kỹ thuật thi công mà đặc biệt là hoàn thành thiết kế đảm bảo kỹ thuật và điều hành nghiệm thu đóng điện thành công công trình nâng công suất cấp điện sang Lào qua cửa khẩu Lao Bảo. Về phần mình, trong những năm công tác vừa qua, Phương đã góp phần tích cực vào kết quả giảm 20% sự cố gián đoạn cung cấp điện, nghiên cứu đề xuất tái cấu trúc nhiều tuyến lưới điện, điều động một số vật tư và thiết bị trên lưới điện một cách hợp lý. Phương với cố gắng không ngừng của mình đã đề xuất và chủ trì viết nhiều bộ quy trình tác nghiệp để thêm phần hoàn thiện và thuận lợi, linh hoạt trong tác nghiệp theo chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống ISO-9001-2008 của Công ty Điện lực Quảng Trị, đồng thời trực tiếp chỉ đạo điều hành thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quan trọng như chỉ tiêu suất sự cố và chỉ tiêu tổn thất điện năng.

Và khi cái nắng bỏng rát dần tan loãng đi, tôi nhìn lên một khoảng trời xanh Hải Lăng để tận mắt thấy kim thu sét được lắp đặt tại vị trí đỉnh cột điện 22kV là sáng kiến của Phương và các cộng sự đã giúp một số lưới điện thuộc Điện lực Hải Lăng quản lý có số ngày giông sét và mật độ sét cao không còn xảy ra sự cố đứt dây, đảm bảo độ tin cậy trong cung cấp điện và giảm chi phí xử lý sự cố lưới điện. Vượt lên trên những đường dây điện thẳng tắp dưới những tầng mây, chiếc kim thu sét ấy là hình ảnh đẹp của sáng kiến Giải pháp chống đứt dây bọc dẫn lưới điện trung thế 22kV bằng biện pháp lắp đặt kim thu sét tại các vị trí đỉnh cột của đoạn đường dây có sử dụng dây dẫn bọc cách điện.

Trình độ chuyên môn và tư duy sáng tạo thôi thúc Phương không ngừng đặt câu hỏi, tiếp tục cải tiến kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh điện năng của Công ty Điện lực Quảng Trị nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để bản thân mình hoặc Phòng Kỹ thuật và toàn công ty ứng dụng thành công vào việc giải quyết từ một phần đến toàn bộ các khó khăn. Vì vậy mà Phương tính thời gian theo cách “Thời gian không đo bằng năm, tháng mà bằng những gì chúng ta làm được” và đóng góp thêm sáng kiến Thiết kế bộ gá tiếp địa di động dưới cầu chì tự rơi trạm biến áp phụ tải. Được áp dụng, sáng kiến của Phương cùng các cộng sự và sáng kiến của riêng Phương vừa đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật trị giá hơn ba trăm triệu đồng vừa khuyến khích nhiều người sống và làm việc trong sự “phấn đấu để mình có ích” như thiên tài Albert Einstein đã từng nói.

Trong mối liên hệ mật thiết với những con người và những công việc làm nên nguồn điện năng ngày càng dồi dào của xã hội, kỹ sư Nguyễn Thanh Phương biết cách cùng ngành, nghề tạo ra những giá trị xã hội tích cực của bản thân và hành động của mình. Với hiện thực phát triển dòng điện là lý tưởng, những cống hiến của những người như Phương có mối quan hệ gần gũi với sự phát triển trên quê hương và giúp nhiều người có thêm sức thuyết phục từ quan điểm mỹ học Cái đẹp là cái có ích. Trong niềm tin về sự hữu ích của ngành, nghề mà mình đã và đang phục vụ, Phương lao động để làm cho tình cảm và sức lực của con người mình ngày thêm tươi mát, tự do...


Bài, ảnh: NGUYỄN BỘI NHIÊN
Ý kiến của bạn