Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em nhưng theo thống kê ở Việt Nam, cứ 4 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi).
Trong bối cảnh Việt Nam có khoảng gần 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thì có đến 1,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và trên 2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Đây là một con số đáng báo động về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, ảnh hưởng đến phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, phát triển toàn diện ở trẻ.
Tại hội thảo "Sữa non - Nguồn dinh dưỡng miễn dịch quý giá cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, với những trẻ có sức đề kháng kém, biểu hiện là lười ăn, quấy khóc, còi cọc suy dinh dưỡng, hay ốm vặt, hay mắc bệnh về da… thì có nguy cơ mắc rất nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (như sốt, ho, hắt hơi, đau họng,…).
“Nhiễm khuẩn hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất. Quá trình điều trị, chúng tôi nhận thấy rằng, mỗi trẻ có từ 5-7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp/năm. Số trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp đến khám tại các phòng khám và bệnh viện chiếm từ 1/3 - 1/2 tổng số trẻ. Đáng chú ý trong đó, viêm phổi là bệnh nặng và gây tử vong cao nhất chiếm 1/4 - 1/3 tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi”- PGS. Dũng thông tin.
Chuyên gia Nhi khoa này cũng cho rằng, khi con bị nhiễm khuẩn hô hấp thì hầu hết cha mẹ lại lạm dụng kháng sinh, gây ra tình trạng kháng thuốc, bệnh hay tái đi tái lại. Chính điều này góp phần giảm sức đề kháng của trẻ, tạo nên vòng luẩn quẩn của bệnh tật, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
“Ở các nước đang phát triển có đến 4.300 trẻ tử vong mỗi ngày do viêm phổi, tương đương với cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày”- PGS. Dũng cảnh báo.
Nên tận dụng “vắc xin đầu đời”
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao 25%. Tình trạng này duy trì trong thời gian dài sẽ cản bước phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ em Việt trong tương lai không xa. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho hay, tăng cường miễn dịch, dinh dưỡng hợp lý là nền tảng cho sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ.
Các chuyên gia chia sẻ về cách chăm sóc giúp trẻ phát triển toàn diện cả về sức đề kháng, thể chất và trí tuệ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc trẻ có cơ hội được ăn sữa non (xuất hiện ở tuần cuối thai kỳ và 48-72h sau sinh) trong những năm tháng đầu đời có khả nắng chống chọi lại được nhiều bệnh tật nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sữa non được coi như "vắc xin đầu đời" giàu dinh dưỡng và kháng thể cho trẻ, do đó các bà mẹ cần cho con bú ngay sau sinh.
Còn nếu trẻ không được sử dụng nguồn sữa non trong giai đoạn này đồng nghĩa với việc trẻ chịu gánh nặng bệnh tật nặng nề hơn trong suốt cuộc đời. Trong những thực phẩm để nuôi sống con người thì sữa non được ví như một "thực phẩm vàng" cho trẻ mới sinh bởi nó rất giàu các kháng thể tự nhiên IgA, IgD, IgE, IgG, IgM giúp bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của vi khuẩn, virút, và các tác nhân gây bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được coi là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2011-2020. Các chuyên gia khuyến cáo, thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bằng cách đa dạng hóa thực phẩm trong bữa ăn; Lựa chọn và thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; Cho trẻ bú sớm trong vòng 1h đầu sau sinh để nhận được nguồn sữa non giàu vi chất, kháng thể từ mẹ; Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Bổ sung các loại thực phẩm bổ sung như sữa non, vitamin, khoáng chất để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ nhỏ...