Miền đất phúc của các họa sĩ quốc tế

12-01-2014 11:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dường như mỗi miền đất lạ lại là một nguồn cảm hứng nguyên sơ, mạnh mẽ cho những họa sĩ ưa sáng tạo trong bối cảnh hiện đại.

Dường như mỗi miền đất lạ lại là một nguồn cảm hứng nguyên sơ, mạnh mẽ cho những họa sĩ ưa sáng tạo trong bối cảnh hiện đại. Việt Nam là một trong những miền đất như thế, nơi mà nhiều họa sĩ quốc tế đã tới, dừng chân, ngẫm ngợi và họa lại cảnh sắc con người với một cảm quan hết sức mới lạ và độc đáo.

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngắm tranh của các họa sĩ nước ngoài vẽ phong cảnh, sinh hoạt, đời sống ở Việt Nam bằng một sự cảm nhận tinh tế mới lại thấy đâu đó những góc khuất, những vẻ đẹp từ những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Nếu các họa sĩ trong nước có nét cọ nhuần nhị, sắc nét, bố cục chặt chẽ, tỉ mỉ, cách tiếp cận chủ đề nhạy bén, chính xác và thâm trầm thì các họa sĩ nước bạn mang tới một cái nhìn đơn giản hơn nhưng đôi khi cũng rất đỗi tinh ý với phong cách vẽ khoáng đạt, năng động.

Tranh của Direk Kingnok.

Còn nhớ đầu năm 2013, một loạt tranh vẽ về giao thông Việt Nam của các họa sĩ nước ngoài vừa ra mắt đã gây thích thú cho nhiều bạn trẻ. Đó là những chiếc bánh xe quay vòng đủ kiểu trên đường phố TP. Hồ Chí Minh của họa sĩ Tim Doyle; Những danh lam thắng cảnh và đặc trưng ở hai miền Nam - Bắc của Việt Nam được họa sĩ Fernando Togni họa lại trong tấm bản đồ thú vị; Họa sĩ Evan Hencox mang đến series tranh vẽ ấn tượng với những sự vật - hình ảnh “chỉ có ở Việt Nam”.

Hiếm có đất nước nào mà nhiều khách du lịch ghé thăm lại có ý định dừng lại một thời gian dài hoặc định cư hẳn để tìm hiểu về nghệ thuật hội họa cũng như rèn giũa tài nghệ như Việt Nam. Đó là niềm tự hào mà không phải đất nước nào cũng may mắn có được. Điều này góp phần làm phong phú thêm bản sắc chủ đề, chất liệu và phong cách cho hội họa nước nhà, cũng là một chiến lược thúc đẩy về kinh tế, nghệ thuật, văn hóa hết sức tự nhiên.

Mảnh đất tâm hồn

Gây ấn tượng mạnh không chỉ cho báo chí Việt Nam mà còn cả báo chí quốc tế năm vừa qua là một nữ họa sĩ người Nhật có tên gọi Saeko Ando. Tới Việt Nam du lịch lần đầu vào năm 1995, Saeko Ando đã cảm thấy gắn bó và quyết định ở lại đây tới nay đã là 18 năm để tìm hiểu và học vẽ tranh sơn mài. Saeko Ando đã thành danh với sơn mài Việt và trở thành người nước ngoài đầu tiên gia nhập Hội Mỹ thuật Hà Nội. Từ một cô gái yêu mến vẻ đẹp của tranh sơn mài, chị đã tạo ra cho sơn mài một vẻ đẹp mới, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, vừa cổ điển vừa hiện đại. Đặc biệt hơn nữa, Saeko Ando đã khám phá ra nhiều nét tương đồng thú vị giữa sơn mài Việt Nam và Nhật Bản.

Giống như Saeko Ando, ngày càng nhiều những họa sĩ nước ngoài cất công sang Việt Nam để học vẽ tranh sơn mài. Đó là nữ họa sĩ người Đức Usula, người đang theo học họa sĩ Phạm Lực vì coi đây là hình thức nghệ thuật độc đáo trên thế giới. Không những vậy, nhiều nghệ sĩ khác đến từ Canađa, Bỉ, Pháp và Mỹ cũng “rồng rắn” sang Việt Nam để tầm sư học vẽ tranh sơn mài.

Không phải tới bây giờ vấn đề dạy vẽ cho người nước ngoài mới nảy sinh. Từ hơn 16 năm nay, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội đã thành lập một lớp học sơn mài cho người nước ngoài. Từ chỗ học viên lẻ tẻ, các buổi học cách xa nhau, tới nay, các lớp học đã đi vào ổn định với số lượng học viên được bổ sung và đều đặn hơn.

Là một đất nước láng giềng với Việt Nam, có nhiều điều kiện để tiếp xúc văn hóa, nghệ thuật hơn, các nghệ sĩ ở Thái Lan cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới đời sống hội họa của đất nước hình chữ S. Đó là năm 2010, Direk Kingnok là họa sĩ nổi tiếng người Thái Lan nhân chuyến thăm Việt Nam đã vẽ loạt tranh màu nước về phong cảnh, sinh hoạt người dân ở cả ba miền.

Tới năm 2011, một nhà sưu tầm tranh người Thái tên là Tira Vanichtheeranont đã gây bất ngờ khi chỉ trong vài năm đã sở hữu bộ sưu tập mỹ thuật Việt Nam do các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tác. Bộ sưu tập này gồm các tranh, ký họa, phác thảo bằng nhiều chất liệu, được sáng tác trong giai đoạn 1930 - 1970. Trong đó, nhiều tác phẩm phản ánh sinh động các sự kiện lịch sử, mang đậm dấu ấn thời đại của nhiều tên tuổi làng hội họa Việt như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Phạm Hầu, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đạo...

Quay ngược trở lại quá khứ xa hơn, năm 2004, họa sĩ người Pháp Helene Kling trong cuộc triển lãm tranh chung với ba họa sĩ Việt Nam đã gây ấn tượng với các bức tranh dạt dào cảm hứng Á Đông. Tới năm 2011, chị tiếp tục ra mắt triển lãm cá nhân, chủ đề Art beat for Việt Nam với những bức tranh trải dài theo dòng thời gian 15 năm sống và làm việc tại đây. Đúng như tên gọi của triển lãm Art beat for Việt Nam, các bức tranh sơn dầu của Helene Kling là nhịp đập hài hòa, nhẹ nhàng về màu sắc, ý tưởng cũng như bố cục. Những tên gọi các bức tranh như Mưa Sài Gòn, Ruộng bậc thang, Quá nhỏ bé, Thiếu nữ, Phượng, Chờ đợi, Dao đỏ Đồng lúa đã nói lên tất cả niềm yêu mến và say mê của họa sĩ người Pháp với cảnh sắc, con người Việt Nam mà chị đã tận tâm lột tả trong nét cọ của mình.

Cùng với các sáng tác của họa sĩ trong nước, tranh vẽ lấy cảm hứng từ Việt Nam của các họa sĩ người nước ngoài góp thêm một thẩm mỹ, một cái nhìn đa chiều vào đất nước, con người Việt Nam. Có yêu mến, gắn bó thì mới có thể họa lại các hình ảnh của miền đất đã đi qua. Có thể nói, Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc cũng như hội họa trong nước chiếm được sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ nước ngoài.

Ngữ Nam


Ý kiến của bạn