TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – lo ngại, sau sởi, tay chân miệng sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết. Dự báo bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện nhiều từ tháng 6- tháng 8 ở phía Bắc, còn đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10...
Nhiều di chứng do viêm não
Theo BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư: Khoa đang điều trị cho 14 ca viêm não, trong đó có một số ca viêm não Nhật Bản.
TS.BS. Phạm Thanh Thủy, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Khoa bắt đầu ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, dễ để lại di chứng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này có khoảng gần chục ca mắc viêm não Nhật Bản nhập viện khám và điều trị.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, với bệnh nhân viêm não, tỉ lệ bị di chứng thường cao 10 – 15%, có cả di chứng vận động và thần kinh. Nguyên nhân thường là do các cháu phát hiện bệnh muộn, qua giai đoạn cấp. Các di chứng nặng về thần kinh và vận động khiến các cháu bị co cứng cơ, nên chỉ nằm im, mọi sinh hoạt tại chỗ, không ho hoặc hắt hơi được. Lâu ngày, dịch mũi họng ứ trong phổi gây nên tình trạng viêm phổi và bệnh nhân dễ tử vong về viêm phổi.
Trẻ bị viêm não đang điều trị tại BV Nhi TƯ Ảnh: Hằng Nguyễn
Cũng theo BS Hải, qua phỏng vấn gia đình có trẻ bị viêm não Nhật Bản, chúng tôi thường thấy các cháu đều không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Tuy nhiên, cũng theo các bác sĩ, căn nguyên chính dẫn đến chứng bệnh viêm não của bệnh nhi là virút (virút viêm não Nhật Bản B, virút gây tay chân miệng dẫn đến biến chứng viêm não...), nhưng cũng có những trường hợp không phát hiện được căn nguyên gây bệnh. Gần đây có bé 9 tuổi ở Hải Dương bị viêm não đã điều trị bốn tuần ở BV Bạch Mai, ba tuần ở BV Nhi T.Ư nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 280 trường hợp mắc (bao gồm cả viêm não Nhật Bản B và các trường hợp viêm não khác), 4 trường hợp tử vong. Tuy có thể xuất hiện ở các mùa trong năm, nhưng tại khu vực phía Bắc mùa hè là thời gian cao điểm của bệnh viêm não, đặc biệt viêm não Nhật Bản B, gần đây có thêm chứng viêm não do tay chân miệng.
Các chuyên gia cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Bệnh viêm não Nhật Bản B cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa.Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế như: Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt. Đồng thời thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.
"Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời"- Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh
Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm, năm 2014 bắt đầu triển khai tiêm ngừa viêm não Nhật Bản B cho tất cả trẻ em trong độ tuổi ở 63/63 tỉnh thành, thay vì chỉ tiêm ở khu vực nguy cơ cao như trước đây.
Box: Theo hướng dẫn của BS Đỗ Thiện Hải bệnh viêm não có những dấu hiệu nhận biết sau:
Bệnh nhân thường sốt 1 - 2 ngày rồi có nôn khan, đau đầu. Trẻ nhỏ chưa nói được thường quấy khóc, kém ăn rồi có biểu hiện chậm chạp. Trường hợp nặng có thể co giật, động kinh, sốt cao 39 - 40 độ C. Vì thế, khi có dấu hiệu trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương thần kinh, cần đưa trẻ đi khám ngay
Thái Bình