Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, qua theo dõi, phân tích hiện trạng thời tiết và các sản phẩm dự báo cho thấy trong 10 ngày tới (26/11-5/12), có một số loại hình thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến đất liền cũng như vùng biển nước ta.
Khoảng ngày 30/11, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó tác động đến các tỉnh miền Trung. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, dự báo từ ngày 1-3/12, các tỉnh miền Bắc trời chuyển rét, vùng núi, trung du Bắc Bộ có khả năng cao xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9-10, gây ra tình trạng biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông, những ngày đầu tháng 12/2022 ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to trên diện rộng.
Về khả năng xuất hiệp áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết khoảng từ ngày 1-3/12, trên khu vực phía Nam Biển Đông có khả năng xuất hiện vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất 65-75% và khoảng 15-25% mạnh lên thành bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ và thông tin thường xuyên dựa trên diễn biến cụ thể của từng loại hình thiên tai.
Hiện nay, một số cơ quan khí tượng của quốc tế dự báo trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương có khả năng hình thành một cơn bão, vượt qua Philippines vào phía nam Biển Đông trong những ngày đầu tháng 12. Hình thái thời tiết này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Bộ từ các ngày 2 và 3/12.
Theo một số ứng dụng dự báo thời tiết, từ 0h ngày 2/12, bão sẽ ở vị trí vùng biển phía nam Philippines, đến 13h cùng ngày, bão sẽ vào khu vực nam biển Đông.
19h ngày 3/12, bão áp sát đất liền các tỉnh Nam Bộ (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).Đến 1h ngày 4/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Nam Bộ. 7h ngày 4/12, tâm bão có thể vào đất liền tỉnh Cà Mau, sau đó di chuyển ra Vịnh Thái Lan.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, hiện nay còn quá sớm để có thể dự báo bão sẽ đổ bộ chính xác vào đâu. Tuy nhiên, các mô hình dự báo của Úc và Nhật đều nhận định khoảng ngày 2 và 3/12, bão có thể đi vào gần bờ hoặc có thể đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Thời gian tới, không khí lạnh sẽ suy yếu khiến bão đổi hướng di chuyển thành tây tây bắc đi chếch lên một chút so với hướng dự báo ban đầu. Diễn biến bão còn có thể thay đổi do các tác động thời tiết nên cần theo dõi thêm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lời Khai Của Nguyễn Kim Trung Thái: Nói Không Cố Ý, Thừa Nhận Nhu Nhược; Tòa Bức Xúc Cắt Lời | SKĐS