Diễn biến mưa những ngày tới thế nào?
Tối ngày 10/9, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trên khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn diện rộng. Tính từ nửa đêm đến sáng nay, lượng mưa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái xảy ra mưa rất lớn với lượng phổ biến từ 70-150mm, có điểm mưa trên 200mm.
Từ sáng đến chiều ngày 10/9, mưa đã giảm, phổ biến chỉ còn 30-60mm, một số nơi trên 800mm. Thông tin mới nhất cho đến thời điểm này, đêm nay và sáng mai, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai vẫn còn mưa lớn, với lượng phổ biến từ 50-120mm, thậm chí có những điểm còn mưa trên 200mm.
"Nhiều khả năng từ chiều mai, ở các tỉnh Bắc Bộ, khả năng mưa lớn sẽ suy giảm, chỉ còn cục bộ ở một số nơi, mưa không còn xuất hiện trên diện rộng", ông Vũ Anh Tuấn cho hay.
Theo cập nhật mới nhất từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 18h chiều nay, mưa lớn diện rộng ở miền Bắc đã khiến 181 người chết, mất tích (127 người chết, 54 người mất tích). Cụ thể, Cao Bằng 52, Lào Cai 55 người (38 người chết, 13 người mất tích), Yên Bái 40 người, Quảng Ninh 9 người chết, Hải Phòng 2 người, Hải Dương 1 người, Hà Nội 1 người, Hòa Bình 4 người, Lạng Sơn 2, Bắc Giang 1 người, Tuyên Quang 2 người, Hà Giang: 2 người, Lai Châu 1 người, Phú Thọ 9 người
Có 764 người bị thương(Quảng Ninh 536, Hải Phòng 81, Hải Dương 05, Hà Nội 12, Bắc Giang 07, Bắc Ninh 52, Lạng Sơn 10, Lào Cai 21, Yên Bái 10, Cao Bằng 12, Phú Thọ 5, Bắc Kạn 2, Hòa Bình 1, Vĩnh Phúc 8, Thanh Hóa 2).
Về diễn biến lũ trên các sông, cơ quan khí tượng cho biết, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình có khả năng lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình..
Cách phòng tránh rủi ro mưa lũ
Ông Vũ Đức Long. Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày qua, hầu hết các tỉnh thành Bắc Bộ đều xuất hiện lũ diện rộng, đặc biệt là lưu vực sông Thao địa phận Lào Cai và Yên Bái, các trạm thủy văn ghi nhận mức lũ lịch sử. Ngoài ra, khu vực hạ lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam đều xuất hiện lũ trên báo động 3 với ngập lụt diện rộng ảnh hưởng đến đời sống.
Tại Hà Nội, nước sông Hồng lên cao, nguy cơ ngập lụt ở nội thành và ngoài thành như thế nào? Ông Vũ Đức Long cho biết, trong khoảng 12-24 giờ tới, tại trạm Hà Nội có khả năng lên xấp xỉ mức báo động 2, khi đó nhiều khu vực ven sông như Phúc Tân, Phúc Xá, Bồ Đề, Gia Lâm... có nguy cơ ngập rất cao.
Khi mực nước sông Hồng qua Hà Nội lên mức xấp xỉ báo động 2 thì các trạm phía hạ lưu thuộc các tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam sẽ lên báo động 3, thậm chí trên báo động 3, nguy cơ ngập lụt tại các địa phương này trong những ngày tới sẽ rất cao.
Phòng tránh hậu quả của mưa lũ, người dân cần cập nhật diễn biến về lũ được cơ quan khí tượng cung cấp hàng giờ, thông tin diễn biến lũ và các khu vực ngập lụt có thể xảy ra cũng được cập nhật thường xuyên. Chính quyền địa phương cũng có các hướng dẫn, người dân cần tuân thủ để di dời đến nơi an toàn nhất có thể.
Ứng phó với mưa lũ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết nguyên đán.
Tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10/9.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3