Miền Bắc khô hạn kỷ lục, lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng

04-06-2023 07:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Tình trạng thiếu hụt mưa ở Bắc Bộ đã và đang diễn biến nghiêm trọng. Số liệu cho thấy từ cuối năm 2022 đến nay là một trong những giai đoạn có tổng lượng mưa tích lũy yếu nhất trong lịch sử.


Năm nay, nắng nóng có thể gay gắt và kéo dài, khô hạn sẽ khốc liệt hơnNăm nay, nắng nóng có thể gay gắt và kéo dài, khô hạn sẽ khốc liệt hơn

SKĐS - Do là năm chuyển pha từ La Nina sang El Nino, nắng nóng năm nay sẽ gay gắt và kéo dài hơn, khô hạn khốc liệt hơn, cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó sớm.

Tổng lượng mưa tích lũy đầu năm ở Hà Nội thấp nhất lịch sử

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng thiếu hụt mưa ở Bắc Bộ đã và đang diễn biến thực sự nghiêm trọng. Tính 30 năm qua, giai đoạn từ tháng 1-5/2023 tại Láng (Hà Nội) có tổng lượng mưa tích lũy 5 tháng đầu năm thấp nhất. Nhiều trạm khác ở Bắc Bộ cũng có tổng lượng mưa tích lũy 5 tháng đầu năm vào nhóm những năm thấp nhất trong lịch sử. Nếu tính tích lũy từ tháng 10 hoặc tháng 11, 12, tình trạng này cũng chẳng khá khẩm hơn. Số liệu nhiều trạm cũng cho thấy từ cuối năm 2022 đến giờ, cũng đang là một trong những giai đoạn có tổng lượng mưa tích lũy theo từng nhóm giai đoạn (6, 7 hay 8 tháng tùy trạm) yếu nhất trong lịch sử.

Trên biểu đồ tổng lượng mưa từ tháng 1-5 thể hiện một gam màu đỏ rực biểu thị trạng thái thiếu hụt mưa so với trung bình nhiều năm, trong đó tháng 5 là tháng giao mùa nhưng tổng lượng mưa nhiều trạm có thể nói thiếu hụt đến 60-90%, lập kỷ lục thấp nhất trong lịch sử so với số liệu tháng 5 cùng kỳ. Nắng nhiều, nhiệt độ đã lập cực trị. Nay  lượng mưa thấp cũng lập luôn kỷ lục.

Miền Bắc khô hạn kỷ lục, lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng - Ảnh 2.

Miền Bắc đang trải qua khô hạn nghiêm trọng, lượng mưa thiếu hụt kéo dài.

Theo TS Phạm Tân Văn, Đại học Khoa học Tự  nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng một phần do biến đổi khí hậu kết hợp với bước vào chu kỳ của El Nino. Tình trạng ít mưa kéo dài suốt từ cuối năm 2022 cho đến bây giờ (ENSO pha trung tính, chuẩn bị sang pha nóng) đã thực sự trở nên rất nghiêm trọng. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến việc các hồ thủy điện liên tục về mực nước chết, lòng sông, hồ nhiều nơi tại Bắc Bộ và Bắc Trung bộ đã trơ đáy.  Đã có những hecta đất, ruộng đồng ở các tỉnh miền núi, trung du Bắc bộ đã khô cằn, nứt nẻ.

Theo chuyên gia, việc thiếu nước để vận hành trong khi mùa nắng nóng đến sớm, nhu cầu dùng điện tăng cao, dẫn đến quá tải về điện. Sau 13 năm (từ giai đoạn 2009-2011), vấn đề cắt điện luân phiên mới lại trở nên vô cùng "nóng" như hiện tại. Không chỉ tại Hà Nội, nhiều nơi khác cũng trong trạng thái tương tự. Thăm dò dư luận những ngày gần đây đã cho thấy rõ, người dân nhiều nơi đang than thấu trời, cắt điện nhiều giờ trong khi tiết trời nóng bức, thậm chí cắt không báo trước, có nơi cắt 2 ngày liền,...

Nguyên nhân sâu xa là do thiếu mưa, thiếu nước, dẫn đến thiếu điện. Lịch sử gần đây nhất, năm 2010 là một trong những năm mưa ít và khô hạn, thiếu nước trên diện rộng, tình trạng cắt điện luân phiên là vấn đề rất nóng vào thời điểm đó, Năm 2023, vấn đề này một lần nữa lại nóng lên trong bối cảnh nhiệt độ liên tiếp lập các giá trị kỷ lục.

Hồ thủy điện có tần suất nước về kém nhất trong hàng trăm năm

Theo thống kê, trong vòng 8 tháng, từ 10/2022 đến tháng 5/2023, tình trạng thiếu hụt mưa so với TBNN xảy ra trên phần lớn diện tích Bắc Bộ. Có những tháng mà có địa bàn hụt chuẩn tới 50-80%. Tháng 5 vừa qua, đa số trạm Bắc Bộ chỉ mưa được vỏn vẹn vài chục milimet, trong khi đây là tháng giao mùa. Có những địa phương ở Bắc Bộ, nhất là tại vùng núi và trung du, suốt từ ngày 14/2 đến giờ được lèo tèo vài hạt mưa. Tức cũng có thể coi là gần như không mưa.

Thực trạng thiếu mưa góp phần khiến 12/12 hồ thủy điện lớn miền Bắc có tần suất nước về "kém nhất trong 100 năm qua", theo Bộ Công thương. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến đều thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 10-30%. Nhiều địa phương miền Bắc đang phải đối phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng.

Tính đến ngày 19/5, dung tích bình quân các hồ thủy lợi tại miền Bắc chỉ đạt 48%, tương ứng 548/1.142 triệu mét khối. Đáng chú ý, tổng dung tích trữ các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện chỉ còn 21%, tỉnh Cao Bằng 23%, tỉnh Hòa Bình 25%... Do nguồn nước suy kiệt nên hơn 1.100ha sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ hạn hán; trong đó, tỉnh Cao Bằng là 375ha, tỉnh Lạng Sơn 584ha, tỉnh Lào Cai 138ha...

Trong tháng 3/023, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thiếu nước cho 100ha lúa ở huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương); ngoài ra hạn hán, thiếu nước cũng mở rộng tại địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo bản tin  Dự báo Khí hậu thời hạn tháng cho tháng 6/2023 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 6 sẽ thiếu hụt mưa so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ (200-250mm). Nhìn chung, trạng thái chủ đạo vẫn là nắng và nóng, đồng nghĩa với khả năng có thể thiếu hụt mưa so với trung bình nhiều năm. Dự báo các đợt mưa có thể xuất hiện từ nửa cuối của tháng 6, song chưa có tín hiệu nào rõ ràng cho thấy khả năng có trận mưa thực sự giải hạn.

Nhiều khả năng phải chờ sang tháng 7 và tháng 8 để tìm kiếm các cơn mưa. Khi đó bão và áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện trên biển Đông và đổ bộ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trút mưa giải hạn. Điều này còn phụ thuộc vào vị trí của trục rãnh gió mùa và ITCZ (dải hội tụ nhiệt đới) khi đó.

Tháng 7-8 cũng được dự báo là cao điểm mùa mưa bão năm 2023 tại miền Bắc; sau đó đến tháng 9 sẽ mở rộng xuống Trung Bộ, cần phải đề phòng những ẩn số phức tạp, khó lường. Biết đâu mưa lớn.

Theo dự báo, cuối năm nay sẽ đến lượt Trung Bộ, rồi Nam Bộ bước vào mùa khô hạn khi El Nino phát triển mạnh và dần tác động rõ nét lên khí hậu Việt Nam. Hạn hán và xâm nhập mặn có thể đe dọa các khu vực nói trên trong đầu năm 2024. Trong khi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu thế dần tăng ẩm.

Cơ quan khí tượng dự báo năm nay, không khí lạnh hoạt động sớm nhưng mùa đông thì có thể đến muộn, tức là các tháng chuyển tiếp (10-11) sẽ có thể xuất hiện trạng thái ấm nóng, tức là đầu đông có thể rất ấm. Nhưng sau đó thì có thể lạnh (lạnh ẩm) và có khả năng lạnh sâu vào thời kỳ đầu năm 2024. Những năm trở lại đây (từ năm 2017-2023), tháng 3 thường rơi vào trạng thái ấm đến rất ấm thì năm 2024 có thể ba tháng đầu năm sẽ khá lạnh, hay nói cách khác là mùa đông đến muộn.

Lên núi đá trồng loại cây “khắc tinh” với khô hạnLên núi đá trồng loại cây “khắc tinh” với khô hạn

SKĐS - Những khu đồi núi đá ở Ninh Thuận đang dần được “hồi sinh” nhờ vào loại cây xanh được xem là “khắc tinh” vùng đất khô hạn, đó là cây thanh thất (còn có tên gọi khác là cây bút thuộc họ thanh thất).

Xem thêm video đang được quan tâm:

4 Nhóm Người Không Nên Ăn Quả Vải | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn