Miền an toàn cho trẻ em chưa chắc chắn?

22-11-2019 07:32 | Xã hội

SKĐS - Liên quan đến vụ việc Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. HCM, đã lợi dụng môi trường làm việc của mình để xâm hại các bé gái.

Vụ việc đồi bại của Nguyễn Tiến Dũng một lần nữa cho thấy, miền an toàn của trẻ chưa chắc chắn. Trẻ em không chỉ dễ dàng bị xâm hại ở xóm nghèo nông thôn, ở thang máy chung cư, ở công viên đô thị, ở trường học, mà ngay cả nơi nương tựa ngỡ chừng lành lặn cuối cùng là Trung tâm hỗ trợ xã hội cũng không thoát khỏi sự tấn công của những kẻ biến thái.

Còn nhiều lúng túng...

Lẽ ra Dũng phải dang rộng vòng tay để che chở cho những đứa trẻ bất hạnh. Vậy mà, Nguyễn Tiến Dũng lại có những việc làm đi trái với đạo lý. Theo đó, cơ quan công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp Nguyễn Tiến Dũng để điều tra về hành vi dâm ô. Bước đầu, Dũng thừa nhận đã có hành vi dâm ô với các bé gái H.T.K.D. (13 tuổi), Đ.T.K.A. (14 tuổi), N.N.K.N. (14 tuổi), L.T.K.T. (15 tuổi). Đáng ngại hơn, khi Dũng thực hiện sự đê hèn ấy một cách ngang nhiên trước mặt những đứa trẻ khác.

Theo trình bày của những nạn nhân, cứ vào thời điểm 9 giờ đêm, Nguyễn Tiến Dũng nhận ca trực đã đến bên cửa sổ phòng kêu các bé gái đến gần để lần lượt dâm ô. Mỗi lần như vậy, Dũng cho các em hút thuốc lá, uống nước ngọt, cho nước sôi nấu mì tôm ăn và còn hứa hẹn sẽ sửa hồ sơ cho các em sớm được về nhà. Nếu phụ huynh của cháu Đ.T.K.A. không vào TP.HCM để thăm con và phát hiện biểu hiện bất thường để trình báo lực lượng chức năng, thì Dũng còn gây thêm bao nhiêu tai ương khủng khiếp nữa. Đáng nói, mặc dù nạn nhân đã có trình báo ngày 8/11 nhưng phải gần 10 ngày sau khi báo chí lên tiếng thì công an mới vào cuộc điều tra. Dư luận băn khoăn về sự chậm trễ trong quá trình xử lý thông tin trình báo của các cơ quan chức năng.

Miền an toàn cho trẻ em chưa chắc chắn?Trung tâm Hỗ trợ  xã hội TP.HCM.

Từ vụ việc này, có thể thấy các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra lúng túng trong xử lý những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Thật cay đắng, khi những nạn nhân của đối tượng Nguyễn Tiến Dũng bộc bạch rằng, các em rất hoảng sợ nhưng không dám tố cáo vì nghĩ rằng xung quanh sẽ không có ai tin những gì các em nói ra.

Cần nâng cao năng lực và việc cập nhật kiến thức cho lực lượng làm công tác bảo vệ trẻ em

Phía sau mỗi hành vi phạm tội dâm ô trẻ em, ngoài sự hồn nhiên của lứa tuổi thiên thần bị cướp đi thì nạn nhân còn phải mang theo tâm hồn tổn thương nặng nề. Có không ít nạn nhân khi lớn lên vẫn không thoát khỏi mặc cảm đè nén để có thể mưu cầu hạnh phúc cá nhân, và có không ít nạn nhân mắc chứng bệnh u uất hoặc biến thành những kẻ nổi loạn thù hận cuộc đời. Đã đến lúc pháp luật phải nghiêm khắc hơn với hành vi dâm ô trẻ em. Đó là ý kiến của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) về những vụ việc liên quan vấn đề xâm hại trẻ em trong môi trường học đường diễn ra gần đây.

Theo ông Đặng Hoa Nam, sự lúng túng thể hiện ở năng lực và việc cập nhật kiến thức. Cần phải cập nhật ngay cho lực lượng làm công tác bảo vệ trẻ em, việc này phải làm thường xuyên liên tục, làm sao nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều tra nói riêng, cũng như các công tác tư pháp liên quan đến trẻ em. Vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, những người tham gia quá trình tư pháp, quá trình tố tụng liên quan đến đối tượng là trẻ em, dù trẻ em là đối tượng vi phạm pháp luật, trẻ em phạm tội hay trẻ em là nhân chứng, nạn nhân, họ cần được đào tạo về tâm lý, giáo dục, tâm lý lứa tuổi, có kiến thức, pháp luật liên quan tới trẻ em và quyền trẻ em.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138/CP quốc gia. Cho thấy, tình hình bạo lực, xâm phạm tình dục trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp, đến mức các vụ việc bị xử lý hình sự có xu hướng tăng. Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 vụ, trong đó có tới 60-70% vụ việc là xâm phạm tình dục trẻ em.

Có thể nhận thấy, môi trường học đường hiện cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn với trẻ em. Vì vậy, theo ông Đặng Hoa Nam: Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Trẻ em đã làm việc với một số đơn vị cấp vụ, cục có chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, làm sao triển khai ngay lập tức, xác định một số giải pháp ưu tiên trước mắt cũng như giải pháp lâu dài, để phòng ngừa xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục đối với học sinh trong môi trường giáo dục và trong trường học. Cụ thể bằng việc sẽ tiếp tục tiếp nhận và xử lý thông tin về công tác bảo vệ trẻ em với việc nâng cấp hoạt động Tổng đài Bảo vệ trẻ em Quốc gia 111 để tiếp nhận thông tin và xử lý.

Từ vụ việc này, theo ông Nam, cũng là bài học cần rút kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý. Khi chúng ta có dịch vụ tốt, có quy định của pháp luật, giao trách nhiệm cụ thể rõ ràng. Khi cha mẹ, trẻ em có địa chỉ tin cậy để họ có thể báo cáo bất kỳ lúc nào; khi lời tố cáo, thông tin của họ được cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận xử lý ngay; lập tức, số vụ việc bị tố cáo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bằng chứng là những vụ việc ở Bắc Giang, Thái Bình đã được phát hiện, ông Nam nhấn mạnh.


Mai Thạch
Ý kiến của bạn