Đương khi ấy, bà mẹ lúi húi lấy ra từ bọc chăn ấm đầu giường một chiếc bọc khăn bông xù xụ. Rồi từ tốn gỡ dần ra trước mặt đám con nhỏ hau háu một chiếc cặp lồng nhôm sáng choang. Đã nghe dậy ngát một mùi thơm như lạ như quen. Hoa nhài hay hoa bưởi chi đó. Không rõ nữa. Chỉ mang máng đó là một mùi hương rất xưa, xưa như mái ngói của căn nhà trên phố cổ ven bờ sông Hồng.
Thong thả gỡ chiếc nắp cặp lồng, bà mẹ dứ dứ đám con nhỏ, xóc lên một cái, nghe lộc cộc bên trong. Thế mới càng hấp dẫn chứ. Lũ con không đừng được, cùng a lại xúm xít:
- A, mía! đúng mía rồi. Nhưng sao mà nóng hôi hổi và thơm phưng phức thế ạ?
- Ấy mía hấp của mẹ đấy. Lâu lắm mẹ không làm rồi. Hôm nay gặp hàng mía tím đầu mùa đi qua. Mẹ nhớ ra mới gọi vào đấy. Mẻ mía ướp đầu tiên trong năm là đây.
Phải rồi, ngồi nhâm nhi chén trà mạn đặc sánh, anh nhớ lại một thời xa. Khi ấy bà ngoại của anh còn sống. Mỗi lần sang nhà bà chơi bên phố cổ Hàng Đồng, anh thường được bà để dành cho chút quà bánh chi đó. Mùa hoa xoan này thường có món mía hấp thảo thơm.
Hà Nội ngày trước có giống mía xương gà, da xanh ánh hanh vàng. Mía xương gà dóng ngắn, đốt dày, tưởng là nhiều mắt, kém ngon. Nhưng thực ra nó rất mềm và nhiều nước. Thật hợp với người già, con trẻ. Đem ướp hoa bưởi hoa nhài rất quyện hương. Còn giống mía tre, thì dóng dài, đốt ít nhưng vỏ dai, thịt cứng, chỉ có thể đem ép thành nước mía, cho thêm đá viên vào ăn giải khát ngày nóng nực. Chứ không thấy nhà nào đem mía tre ướp hương hoa cả. Bởi nó không hề tương thích với sự dịu mềm, thanh nhã của hương hoa.
Mãi đến sau này, mới rộ lên giống mía tím Hòa Bình. Mía tím Hòa Bình có ưu điểm nổi trội hơn là dóng mía dài, ít đốt, khẩu mía mềm sụn, tươm nước và ngọt thơm hơn hẳn các giống mía khác. Thế là giống mía xương gà hình như thất thế mà mai một dần. Cũng như là giống mía lau cây nhỏ, dóng dài, ăn có vị ngọt hơi chua chua, món quà từ những phiên chợ quê nghèo thời sơ tán, nay cũng đã chẳng thấy đâu còn.
Nhưng bà ngoại anh không hấp mía chỉ đơn thuần như những nhà hàng trên phố. Bà cho nướng tấm mía để cả vỏ trên bếp than hồng. Bọt mía nổi xèo xèo, mùi thơm dậy ngát nhà. Sau đó, bà róc vỏ mía sạch sẽ rồi chẻ từng khẩu nhỏ. Đoạn, bà cho mía chẻ vào một tấm khăn mặt bông lớn, rắc vào mấy cánh hoa bưởi cuối mùa hay hoa nhài đầu vụ. Đem hấp trên nồi cơm vừa cạn nước.
Khi cơm chín, lấy bọc mía ra, bỏ khăn bông ướt, cho mía vào cặp lồng nhôm đậy nắp và đem ủ lại trong khăn bông và chăn ấm.
Còn nếu như trời đã trở gió nồm, nóng rấm nóng rứt ? Thì mía ấy không cần đem hấp nóng, chỉ chẻ nhỏ mà ướp hoa bưởi hoa nhài, rồi đem để vào chiếc âu kín nắp đặt vào hộp đá trước đây hay trong tủ lạnh sau này, trong độ vài ba giờ đồng hồ. Bữa cơm canh cua, cà pháo muối giòn, tôm rang thịt cháy cạnh vừa xong. Đem âu mía ướp ra tráng miệng. Mát và thơm khôn tả.
Hoa bưởi thì bà thường đặt mua của các bà hàng hoa làng Ngọc Hà. Sáng sáng, các bà thường gánh qua phố nhà trước khi vào chợ. Gói lá bồ tát xanh xanh buộc sợi lạt giang mỏng mảnh. Mấy chùm hoa bưởi trắng muốt, tinh khôi vừa chớm mở, cánh còn chưa mở hết. Bà ngoại bảo rằng, hoa đúng độ như thế mới thơm. Chứ hoa bưởi đương nụ, hoặc hoa bưởi đã bung nở, thì đều chưa tỏa hương hoặc đã nhạt mùi hương.
Hoa nhài thì nhà ngoại thường trồng một đôi khóm trên ban công tầng 2, mở ra hướng đông đón nắng sớm. Đó là giống nhài quế, nhài ta, bông nhỏ, cánh mỏng và hương thơm ngát. Chứ không phải giống nhài Tàu, bông to, cánh dày nhưng hương thơm gắt. Mùa xuân đốn cành, mùa hạ khóm nhài bung nụ dày đặc. Hái nhài phải hái lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa lên cao, nụ hoa còn đang e ấp hàm tiếu. Non trưa hoa vừa hé nụ, tỏa hương thơm là đem ướp mía, hay ướp trà, là hợp cách nhất.
Khi anh trai trưởng trong nhà thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc đóng mãi tận thị trấn Xuân Hòa, Mê Linh, trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, chị Hai đã dắt anh lên chơi trên ấy. Anh trai trưởng đã rủ thêm mấy người bạn cùng lớp và hai người em nhỏ vào hồ Đại Lải đi dã ngoại kiểu sinh viên.
Hồ nước mênh mang xanh biếc, sóng giợn vô hồi. Những tán bạch đàn lá bàng bạc xôn xao đùa trong nắng gió. Các anh chị ngồi bên nhau đánh đàn ghi ta và ca hát, nô đùa rộn vang cánh rừng. Bữa liên hoan sinh viên chỉ có sắn nướng tại chỗ và một bó mía tím cô bán hàng chợ Xuân Hòa vừa chặt vội bó nguyên bằng những chiếc lá mía xanh sắc lẹm còn nguyên bụi phấn trắng. Anh cũng hùa theo các anh chị sinh viên, vừa bẻ sắn ăn vừa rước mía bằng miệng giống như hồi đi sơ tán ở quê. Mùi sắn nướng củi khô hòa cùng vị ngọt của tấm mía tươi hấp dẫn làm sao. Anh chợt kéo áo chị Hai thầm thì:
- Mía này không ướp hoa như ở nhà mình mà sao thơm thế chị nhỉ?
- Ngốc ạ, là mùi thơm sắn nướng đấy. Công tử bé Hà Thành lần đầu tiên được ăn sắn nướng có khác.
Anh xấu hổ cúi mặt cười bẽn lẽn. Lúc chợt ngẩng lên, nhìn thấy các anh chị sinh viên miệng ai miệng nấy đều đen sì than củi và nhuôm nhoam nước mía. Vừa ăn , họ còn vừa quệt tay áo lung tung. Anh chợt kéo áo anh trưởng thảng thốt :
- Ăn thế này, bà và mẹ trông thấy thì mắng chết?
- Hôm nay ngoại lệ. Cứ thế đi cho vui. Này các bạn ơi, hôm nào về Hà Nội chơi, mẹ mình sẽ đãi các bạn món bún thang củ cải dầm và tráng miệng mía ướp hoa bưởi nhé.
- Tuyệt vời. Tuyệt vời.
Chao ôi, một món quà đơn sơ bé bỏng, nhưng sao mà nó tinh tế, kỳ công. Những món quà Hà Nội, chúng chất chứa trong đó không chỉ là tấm lòng trân trọng của con người đối với những phẩm vật thiêng liêng của trời và đất. Mà còn đọng lắng trong ấy bao tình cảm ấm áp, thân thương...