Mía ngọt... người “đắng”

22-03-2009 2:13 PM | Thời sự

Đến thời điểm này, những người trồng mía vùng cao xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) mới thấm thía, điêu đứng vì mía “bán rẻ như cho” mà vẫn ít người mua.

Đến thời điểm này, những người trồng mía vùng cao xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) mới thấm thía, điêu đứng vì mía “bán rẻ như cho” mà vẫn ít người mua. Đây lại là bài học nữa cho ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn, khi phát triển không gắn với thị trường.

 Mía thu hoạch không có nơi tiêu thụ.

Gia đình chị Trần Thị Lý, thôn Chooc Tòng, xã Cao Kỳ hiện như ngồi trên đống lửa, ngày nào chị cũng ra đồng xem có thương lái nào đến hỏi mua để bán ruộng mía hơn 2.000m2, nhưng càng chờ càng thất vọng. Cũng theo chị Lý, đến hết tháng 3/2009 mà không thu hoạch, cây mía sẽ bắt đầu đỏ gốc, thân xốp và chua, khi đó cho cũng không ai lấy?

Gia đình ông Hoàng Văn Chương, có 3.000m2 trồng mía, nhưng đến nay cũng chưa bán được cây nào. Theo ông Chương, giá phân bón tăng cao cùng với công chăm sóc nhiều hơn đã làm cho giá đầu tư cho cây mía năm nay cao hơn, trong khi giá bán lại giảm từ 3 đến 4 lần so với năm ngoái, hiện chỉ còn khoảng từ 500-1.000 đồng/cây tùy vào kích cỡ cây mía, mà vẫn không có người mua. Người nông dân đang bị thiệt đơn thiệt kép. Ông Hà Đức Chấn, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ lo lắng: Hiện toàn xã vẫn còn trên 96% diện tích trồng mía (hơn 25ha) chưa tiêu thụ được. Không những vậy, theo lịch thời vụ đầu tháng 3 là phải thu hoạch xong để chuyển sang trồng vụ mía mới, nhưng do mía không tiêu thụ được, nên cũng không có đất để trồng vụ mới. Hiện địa phương cũng đang lúng túng và chưa có cách gì để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm?

Nguyên nhân cây mía Cao Kỳ không bán được là do tỉnh Bắc Kạn không có nhà máy sản xuất, chế biến nguyên liệu từ mía, trong khi đó diện tích trồng mía xã Cao Kỳ tăng dần qua các năm trước năm 2005, toàn xã chỉ có vài ha, đến vụ mía năm nay tăng lên hơn 26 ha. Việc tiêu thụ mía ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương từ các tỉnh như: Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam... nhưng không hiểu tại sao vụ mía năm nay đã hết vụ thu hoạch mà cũng chẳng thấy có tư thương nào đến hỏi mua.

Hiện không có cách nào khác, các hộ dân xã Cao Kỳ đã phải đem mía ra bán lẻ cho khách đi đường ở dọc Quốc lộ 3. Việc bán lẻ này cũng lắm chuyện dở khóc dở cười, ngày nào nắng ấm còn bán được vài cây nhưng những ngày se lạnh thì mua một cây tặng một cây cũng ít thấy ai hỏi. Chị Hà Thị Quốc, thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ đã ngồi gần một ngày mà vẫn chưa thể bán được một cây mía nào. Chị Quốc than thở: Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì không biết bao giờ nhà chị mới bán hết ruộng mía gần 2.000m2 để chuyển sang trồng cây khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Ngãi, quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, cho rằng: Đây là bài học của việc phát triển tự phát không có quy hoạch, địa phương chỉ trồng mà không tính đến đầu ra. Sau bài học đắt giá về cây mơ, cây hồi, cây gừng..., khi được giá người dân đua nhau trồng mở rộng diện tích, khi rớt giá lại thi nhau phá bỏ, gây thiệt hại về nhiều mặt. Nay lại đến số phận cây mía. Không biết đến khi nào ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn mới rút ra được bài học để đỡ thiệt hại cho người nông dân?          

Quang Đán


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH