Hà Nội

Mì Quảng - món ăn dân dã xứ Quảng đậm đà, khó quên

01-09-2024 16:46 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Khi nhắc đến đất Quảng, hầu hết mọi người đều nhớ đến câu ca: Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say… Nhưng thật thiếu sót nếu không nhắc đến món mì Quảng ngon nức tiếng làm bao thực khách mê lòng.

Quảng Nam là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Và nếu nhắc đến đặc sản nổi tiếng của đất Quảng Nam thì không thể không kể đến mì Quảng. Mì Quảng được xem là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất này bởi hương vị thơm ngon mang đậm bản sắc rất riêng.

1. Mì Quảng có từ bao giờ?

Mì Quảng - món ăn dân dã xứ Quảng đậm đà, khó quên- Ảnh 1.

Mì Quảng - món ăn dân dã đậm đà xứ Quảng.

Theo chị Hưng, một người bán mì Quảng ở Hội An hơn 20 năm cho biết, chị và hầu hết những người bán mì nơi đây đều không biết chính xác món mì Quảng có từ bao giờ. Chị Hưng cũng chưa được mẹ mình kể rõ nguồn gốc của món mì Quảng mà chỉ kể rằng vào khoảng thế kỷ 16, Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam là một thương cảng quốc tế với nhiều hoạt động giao thương nhộn nhịp, và món mì Quảng mang ảnh hưởng của mì người Trung Hoa làm.

Tuy nhiên, mì Quảng lại có cách sáng tạo riêng, chế biến phù hợp với khẩu vị của người Quảng đất Việt. Ngoài ra, cũng có người lại kể rằng, mì Quảng là biến thể của món ăn người Chăm. Nhưng dù xuất phát từ đâu thì món mì Quảng thực sự đã được sáng tạo thành một món ăn đặc trưng.

2. Đặc trưng của món mì Quảng

Chị Hưng cho biết, hầu hết gia đình nào ở Quảng Nam cũng có thể tự làm món mì Quảng. Ngày trước, mỗi nhà đều tự tráng mì, cắt (thái) mì. Gạo là nguyên liệu chính để tạo nên loại mì này. Gạo được ngâm đủ mềm khoảng bốn giờ đồng hồ với hạt dành dành rồi mang đi xay (trước đây thì giã), xay thành bột thật mịn và không lỏng hoặc đặc quá để khi "tráng" thành những bánh tráng không mỏng quá, cũng không dày quá để khi thái bánh thành những sợi mì mềm.

Trước khi thái thành sợi mì, bánh tráng được thoa một lớp dầu phụng (lạc) đã được phi với củ nén hay còn được gọi là hành tăm. Dầu lạc phải là thứ dầu có màu sóng sánh như mật ong được chế biến bằng cách lấy hạt đậu đã lột vỏ, phơi già nắng và ép trong những bộng gỗ theo lối cổ truyền. Dầu khử với củ nén tươi sẽ dậy một mùi thơm đặc biệt làm nên làm nên sự khác biệt với các món ăn khác. Sợi mì màu vàng không phải lấy màu từ nghệ như nhiều người nghĩ mà là màu từ hạt dành dành.

Nhân của mì Quảng cũng lắm công phu, có thể là tôm, thịt lợn hay thịt gà, ngày nay còn có cả lươn, cá lóc, ếch… Nấu loại nào thì cũng đều ướp với hạt dành dành đã được giã nhỏ, hành tăm, tỏi băm cùng với các loại gia vị như nước mắm, muối… bắc nồi lên đun nóng dầu đậu phộng phi hành tăm và tỏi cho thơm rồi xào cho săn các nguyên liệu, om ở lửa vừa, sau khi các nguyên liệu đã săn thì cho thêm chút nước đun sôi rồi hầm đến khi chín mềm vừa phải. Phần nước hầm được sử dụng làm nước dùng khi ăn mì và người Quảng thường gọi là "nước nhưn".

Mì Quảng - món ăn dân dã xứ Quảng đậm đà, khó quên- Ảnh 3.

Màu vàng đặc trưng trong tô mì Quảng lấy từ hạt dành dành.

Tô mì Quảng được xếp từng lớp, dưới lớp mì là các loại rau sống, mì Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị thì mới tạo nên được hương vị nồng nàn: húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ (cải mầm), giá đỗ có thể được trụng chín hoặc để sống, cùng với các loại ngò rí, rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng.

Trên mì là thịt lợn, thịt gà, tôm, ếch, cá lóc (đôi khi có trứng luộc) chan lên trên là nước dùng được hầm từ xương lợn hoặc từ nước của các loại nhân tôm, cá, thịt được cô đặc hơn các loại nước phở, bún khác. Có lẽ vì thế mà mì Quảng ăn không bị ngán hay cảm giác khô dù ít nước dùng. Bánh tráng nướng được bóp vụn và rắc vài hạt lạc rang giã dập trộn đều trong tô mì. Khi ăn mì có thể ăn thêm ớt nguyên trái.

3. Mì Quảng có gây tăng cân không?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một tô mì Quảng sẽ có các thành phần dinh dưỡng:

  • Chất béo: 20,2g
  • Đường: 67,4g
  • Đạm: 22,4g
  • Chất xơ: 2,73g

Trong 100g mì Quảng tươi sẽ cung cấp khoảng 400 calo, còn tô vừa sẽ khoảng 415 calo và tô lớn khoảng 680 calo. Riêng với mì Quảng chay thì sẽ không có thịt và sử dụng nước dùng từ rau củ thay vì xương heo nên sẽ có khoảng 250 calo.

Trung bình trong 1 ngày người trưởng thành cần nạp khoảng 2000 – 2200 calo, tương đương 667 calo/bữa ăn để duy trì các hoạt động. Vậy nên, nếu chỉ ăn 1 tô mì Quảng trong bữa thì sẽ không ảnh hưởng đến cân nặng nhưng nếu ăn trên 2 tô thì sẽ vượt mức calo cần thiết và có thể khiến cơ thể tăng cân.

Ngoài ra, mì Quảng còn chứa lượng chất béo khá lớn, bao gồm cả chất béo lợi – hại nên việc thường xuyên ăn quá nhiều mì Quảng sẽ khiến mỡ thừa bên trong cơ thể. Do đó, cần cân đối lượng calo của mì cũng như những bữa ăn khác trong ngày, kết hợp với chế độ tập luyện phù hợp để duy trì vóc dáng thon đẹp.

Khám phá hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng của bánh xèo tôm nhảy Quy NhơnKhám phá hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng của bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn

SKĐS – Quy Nhơn không chỉ nổi tiếng với các cảnh đẹp mà các món ăn cũng hấp dẫn thực khách phương xa. Bánh xèo tôm nhảy là một trong những món ăn yêu thích của người dân nơi đây và du khách thập phương bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ngày đầu nghỉ lễ, nghìn người chen chân trải nghiệm ẩm thực ba miền.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn